Xe nước mía U70 truyền qua 3 thế hệ của gia đình người Hoa ở Sài Gòn

21/01/2021 17:16 GMT+7

Nằm ở Q.1, TP. HCM, xe nước mía được sơn vàng nổi bật của ông chủ Kiên Ký từ lâu đã trở thành điểm dừng chân quen thuộc của nhiều thực khách. Ít ai biết rằng, chiếc xe này có tuổi đời gần 70 năm, với món nước mía gia truyền đã tiếp nối qua 3 thế hệ.

Ông Lý Tùng, chủ tiệm Kiên Ký cho biết, xe nước mía này là nguồn thu nhập chính của gia đình ông từ trước đến nay. Nguồn thu từ nó đủ cho gia đình có một cuộc sống ổn định và nuôi được cả 3 người con vào đại học.

Xe nước mía “U70” đã truyền qua ba thế hệ của gia đình ông Lý Tùng

ẢNH: NGÔ YẾN

Theo ông Tùng, món nước mía nguyên bản của người Hoa ngoài việc chọn loại mía ngon, cho vị ngọt thanh mà không gắt thì thường sẽ được kết hợp với quýt. Tuy nhiên, theo thời gian, do nhu cầu của thực khách thay đổi nên ông không còn giữ cho món nước mía của mình theo vị nguyên bản của người Hoa.
Thay vào đó, ông làm hài lòng thực khách bằng cách cho ra một ly nước mía nguyên chất, không kết hợp thêm với bất cứ nguyên liệu nào khác. “Hồi xưa thì mình có xài quýt, xài cam, bây giờ không hiểu sao khách hàng không thích cái mùi vị đó nữa, muốn uống cái mía gọi là mía nguyên chất. Cái giờ mình không ép quýt vô nữa. Tiệm của mình chọn là mía ép đường, hồi xưa gọi là mía 310, bây giờ người ta gọi là mía ép đường. Cái mía này ép ra cái hậu của nó thơm lắm, thơm mùi mía lắm, ngon lắm nên khách hàng cũng thích uống vị nước mía nguyên chất này hơn”.

Chị Mẫn Nhi (Q.1, TP. HCM) là một "khách ruột" của món nước mía gia truyền Kiên Ký

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Ngoài việc chọn giống mía chất lượng, ông Tùng cho biết, công suất hoạt động của máy ép mía cũng quyết định rất lớn đến hương vị của nước mía. Tuy là “đồ cổ” nhưng xe nước mía của ông hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí này. “Cái máy ép nước mía này ép có công suất là 1 ngựa rưỡi (1,5 mã lực), ép được từ 6 - 8 cây mía (1 lần). Nó khác những cái xe nước mía thông thường bây giờ ở cái máy ép, cái đầu ép, mô tơ điện. Muốn mía ngon thì phải kéo ép để nó ra cái vị mía ngon, béo. Mô tơ phải đủ mạnh thì mía nó mới đủ sức ép ra cái chất béo của mía” - Ông Tùng chia sẻ đầy tự hào về món “bảo vật” gia truyền đã gần 70 tuổi của mình.
Ngoài món nước mía gia truyền, 3 - 4 năm nay, ông Tùng còn bán thêm trà olong tắc, sâm bông cúc và nước mát 24 vị. Công thức của những món uống mới là do ông tự mày mò và chế biến theo cách riêng của mình. Món trà olong tắc của tiệm ông thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các thực khách trẻ tuổi, thậm chí “vượt mặt” nước mía để trở thành món uống bán chạy nhất ở thời điểm hiện tại.
 

Ông Tùng cho biết, nước mía tuy là món gia truyền nhưng hiện tại, trà olong tắc mới là thức uống bán chạy nhất của tiệm ông

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Các món uống ở tiệm đều có 3 kích cỡ tương ứng với 3 mức giá khác nhau, gồm 10.000 đồng với ly nhỏ, 15.000 đồng cho ly vừa và 20.000 đồng với một ly nước lớn.

Các món nước có 3 mức giá tương ứng với 3 loại kích cỡ khác nhau, gồm 10.000 đồng với ly nhỏ, 15.000 đồng với ly vừa và 20.000 cho một ly lớn

ẢNH: QUYỀN TRÂN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.