Nhìn lại gần một năm rưỡi chống dịch và dấu mốc 10.000 ca Covid-19 ở Việt Nam

13/06/2021 08:16 GMT+7

Đã gần một năm 5 tháng trôi qua kể từ ngày Việt Nam ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên, nước ta đã trải qua 4 lần bùng phát với tâm dịch ở nhiều địa phương khác nhau qua mỗi đợt. Hãy cùng nhìn lại những dấu mốc và công tác chống dịch ở Việt Nam kể từ thời điểm ghi nhận bệnh nhân đầu tiên đến bệnh nhân thứ 10.000.

Tháng 12.2019: Dịch Covid-19 - khi đó chưa có tên gọi chính thức, khởi phát tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).
Ngày 23.1.202, hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam (là hai công dân Trung Quốc đến Việt Nam từ Vũ Hán) và được phát hiện mắc bệnh tại TP.HCM.
Ngày 1.2.2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại Việt Nam. Đồng thời, việc kiểm soát người xuất, nhập cảnh ở biên giới, cửa khẩu cũng được thắt chặt.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Ngày 22.3.2020, Việt Nam ghi nhận ca bệnh 100 tại TP.HCM, sau đúng 2 tháng phát hiện ca bệnh đầu tiên. Vào thời điểm nay, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại nhập cảnh và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả trường hợp nhập cảnh.
Ngày 1.4.2020, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày. 
Cuối tháng 4.2020, Việt Nam cơ bản khống chế được làn sóng dịch Covid-19 thứ nhất với hơn 200 ca bệnh Covid-19 được ghi nhận và không có bệnh nhân nào tử vong. Việt Nam đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh rất nặng như bệnh nhân số 19 ở Hà Nội và bệnh nhân số 91 tại TP.HCM.

Hành trình từ "cõi chết" trở về của BN91 - nam phi công người Anh

Ngày 25.7.2020, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai quay lại Việt Nam sau 99 ngày không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Bệnh nhân 416 được phát hiện tại Đà Nẵng mà chưa rõ nguồn lây. Kể từ đó, trong vòng hơn 1 tháng, đã có hàng trăm ca bệnh Covid-19 được ghi nhận ở các tỉnh miền Trung với tâm dịch là thành phố Đà Nẵng. Trong đó, dịch lây lan mạnh ở nhiều bệnh viện quan trọng như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng,... nơi đang điều trị cho nhiều bệnh nhân có bệnh nền nặng.
Ngày 28.7.2020, thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội
Ngày 31.7.2020: Việt Nam ghi nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong là BN428, bệnh nhân nam, 70 tuổi với nhiều bệnh nền nặng.

Người Đà Nẵng đi chợ bằng phiếu màu trắng thay cho phiếu hồng, phiếu xanh

Ngày 31.7.2020, Việt Nam ghi nhận ca bệnh thứ 500 tại trong chùm ca bệnh tại tâm dịch Đà Nẵng
Ngày 20.8.2020, ghi nhận ca bệnh thứ 1.000 là chuyên gia Philippines nhập cảnh vào Việt Nam.
Đến đầu tháng 9.2020, dịch Covid-19 tại Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát. Trong làn sóng dịch Covid-19, Việt Nam ghi nhận hơn 500 ca bệnh (trong đó phần lớn ghi nhận ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung) với 35 bệnh nhân tử vong.
Ngày 27.1.2021, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba của Việt Nam bắt đầu khi phát hiện hai ca lây nhiễm cộng đồng được ở Hải Dương và Quảng Ninh. Trong đợt dịch này, biến chủng SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu ở Anh được ghi nhận trên các bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương.

Xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 trong gia đình ở Hải Dương

Sáng 24.2, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên về đến Việt Nam. Đây là vắc xin AstraZeneca, được đưa về Việt Nam theo chương trình chia sẻ vắc xin COVAX của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Trong thời gian đó, việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vắc xin Covid-19 trong nước cũng đang được tiến hành. Chính phủ và các đơn vị khác cũng tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp vắc xin nước ngoài để tìm thêm nguồn cung vắc xin tiêm ngừa cho người dân.
Ngày 7.2.2021, Việt Nam ghi nhận ca bệnh thứ 2.000. Trong thời gian này, một chuỗi lây nhiễm liên quan sân bay Tân Sơn Nhất tại TP.HCM cũng diễn biến phức tạp.
Đến giữa tháng 3.2021, làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại Việt Nam cơ bản được khống chế. Trong đợt dịch này, cả nước ghi nhận hơn 800 ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong nước, trong đó Hải Dương là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất.

Giao thừa ở con hẻm bị phong tỏa ngày 30 tết vì Covid-19

Đến ngày 27.4.2021, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư ở Việt Nam bắt đầu với ca bệnh đầu tiên được ghi nhận là BN2857: Đây là nhân viên khách sạn làm việc tại nơi có chuyên gia Ấn Độ từng lưu trú. Sau đó, Việt Nam liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca mắc Covid-19 khác với những điểm nóng là Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Có ngày ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục với 444 ca. Trong làn sóng dịch này, Việt Nam phải ứng phó cùng lúc với hai biến thể của virus SARS-CoV-2, là biến thể từ Anh và biến thể từ Ấn Độ. Trong đó, đặc biệt biến thể Ấn Độ được đánh giá là biến thể siêu lây đều là biến thể có tốc độ lây lan nhanh. Nhiều bệnh nhân Covid-19 cũng tử vong trong đợt dịch này.
Ngày 5.5.2021, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân Covid-19 thứ 3.000, là ca bệnh nhập cảnh từ Ba Lan.
Ngày 16.5.2021, Việt Nam ghi nhận ca thứ 4.000 tại Bắc Ninh.
Ngày 22.5.2021, Việt Nam ghi nhận ca thứ 5.000 tại Bắc Ninh.
Ngày 26.5.2021, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 thứ 6.000 tại Bắc Ninh.
Cuối tháng 5.2021, TP.HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ngày 31.5, toàn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (thuộc quận 12) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Quán xá trung tâm TP.HCM "cửa đóng then cài" trước giờ giãn cách xã hội

Sau hơn 2 tuần, số ca lây nhiễm Covid-19 tại TP.HCM trong đợt dịch này tiến đến mốc 500 ca. Diễn biến dịch tại TP.HCM vẫn còn nóng và phức tạp khi Covid-19 tấn công vào các bệnh viện và thêm chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện.
Ngày 30.5.2021, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 thứ 7.000 tại Đà Nẵng.
Ngày 3.6.2021, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 thứ 8.000 tại Bắc Ninh.
Ngày 8.6.2021, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 thứ 9.000 tại Bắc Giang.
Ngày 12.6.2021, Việt Nam ghi nhận ca Covid-19 thứ 10.000.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.