Cụ bà chèo xuồng nhặt ve chai ở Sài Gòn khoe mình “nghèo nhất thế giới“

23/06/2020 15:13 GMT+7

Giữa TP.HCM hiện đại, cụ bà Nguyễn Thị Nhời (73 tuổi) sống biệt lập trong chiếc chòi nằm trên rạch Văn Thánh vẫn hằng ngày chèo xuồng đi nhặt ve chai. Với bà cuộc sống như vậy là an yên, không âu lo suy nghĩ chuyện đời.

Để tìm được đến chòi của cụ bà chèo xuồng Nguyễn Thị Nhời (73 tuổi) ở rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) quả thật không dễ dàng, đường vào quanh co, chui qua nhiều hẻm hóc, may sao, cụ... nổi tiếng nên ai cũng biết.
Cụ Nhời quê ở Hải Hưng (nay là Hải Dương), từ năm 3 tuổi, cụ theo cha mẹ vào miền Nam sinh sống. Lục lại những mảnh ghép ký ức, cụ bà chèo xuồng nói cuộc sống của gia đình mình chưa ngày nào là ở trên bờ.

Cụ bà chèo xuồng nhặt ve chai ở Sài Gòn khoe mình "nghèo nhất thế giới"

Ngày trước, chưa được cải tạo, gia đình cụ đã dựng tạm một căn nhà bè nằm phía sau chợ Thị Nghè. Cuộc sống của cụ cùng cha mẹ dù rất khó khăn nhưng vẫn bình yên, hạnh phúc.
Thuở nhỏ, cụ Nhời không được đi học. Năm 7 tuổi đi ở đợ cho nhà hàng xóm thì bị đánh sưng mặt nên bỏ về. Năm 19 tuổi, cụ Nhời lập gia đình và có 3 đứa con với người đàn ông gốc Bắc. Năm 27 tuổi, cha mẹ cụ vừa mất, chồng cũng bỏ về quê rồi mất liên lạc. Từ đó, một mình cụ làm nghề bán cá ở chợ Thị Nghè vừa nuôi 3 con, vừa chăm 2 em.
Sau khi giải tỏa khu giải tỏa khu vực đường Trường Sa (nay là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), cụ Nhời chuyển về ở rạch Văn Thánh và trở thành cụ bà chèo xuồng sinh sống bằng nghề chèo xuồng nhặt ve chai trên rạch. 
Hằng ngày, cụ dậy từ 4 giờ giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, cầm theo chai nước rồi nhảy xuống chiếc xuồng chèo dọc con rạch Văn Thánh để kiếm ve chai. Những món cụ hay nhặt được là lon bia, lon nước ngọt, chai nước nhựa hay những thùng can nhựa đựng thực phẩm hằng ngày.
Sau mỗi chuyến chèo ghe đi nhặt ve chai, cụ Nhời phải về cọ rửa cho sạch sẽ để chai lọ không dính rêu, đất cát thì mới bán được. Cụ thường dồn ve chai khoảng nửa tháng mới bán một lần, mỗi lần được 200.000 – 300.000 đồng, vừa đủ để cụ xoay xở cuộc sống.
Suốt 10 năm qua, giá ve chai ngày càng giảm xuống nên ngày thu nhập “khủng” nhất của cụ bà chèo xuồng chỉ là được 40.000 – 50.000 đồng.
Trên chiếc chòi 4 vách là tôn nằm biệt lập ven rạch không đường đi vào, đi đâu cũng không cần khóa cửa nẻo, cuộc sống của cụ Nhời cứ vậy trôi qua bình yên mỗi ngày. Điện sinh hoạt cụ kéo của hàng xóm mỗi tháng đóng 80.000 đồng, thêm 50.000 đồng tiền nước sinh hoạt.
Cụ Nhời tâm sự, cụ có người con trai ở nhà thuê trên bờ, cũng đôi lần gọi cụ về ở cùng nhưng cụ không muốn làm phiền con cháu. Cụ nói mình còn sức khỏe, vẫn tự làm lụng được nên vẫn muốn tự lo cho chính mình.
“Tôi có 3 đứa con nhưng hai đứa con gái bạc mệnh mất sớm vì té sông và bệnh tật. Giờ còn duy nhất thằng con trai với 2 đứa cháu nội”, cụ Nhời kể.
Cuộc sống của cụ bà chèo xuồng Nguyễn Thị Nhời rất đơn giản, không cần biết thế giới ngoài kia xoay chuyển thế nào, không quá lo cho chuyện cơm áo gạo tiền, mỗi ngày cứ bình yên trôi qua.
10 năm chèo xuồng trên rạch, cụ bà chèo xuồng Nguyễn Thị Nhời chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của thành phố, đó là tòa nhà Landmark 81 chọc trời vừa mọc lên, là những tòa chung cư cao ốc cứ vậy san sát nhau...
Cụ Nhời tâm sự: “Nhà tôi chắc là nghèo nhất thế giới luôn đó. Cứ dựng nhà ở tạm ven rạch, nhà nước kêu di dời đi đâu thì mình đi đó. Tới khi tôi ở bên rạch Văn Thánh này thì buộc phải giải tỏa hết để lên bờ, nhưng tôi quá quen cuộc sống sông nước rồi, không thể lên bờ được. Tuổi tôi nhiêu đây, lên bờ cũng không biết làm gì mà sống. Nên thà cứ cho tôi ở đây, chèo ghe đi nhặt ve chai kiếm ăn qua ngày”.
Trao đổi với phóng viên, UBND phường 19, quận Bình Thạnh cho biết, cụ bà chèo xuồng Nguyễn Thị Nhời thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Ngày trước, cụ Nhời ở ven kênh phía đường Trường Sa (nay là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè). Sau khi giải tỏa khu đó, cụ chuyển về ở rạch Văn Thánh và sinh sống bằng nghề chèo xuồng nhặt ve chai trên rạch. Vì cụ cao tuổi và quen với cuộc sống sông nước cả đời nên phường vẫn tạo điều kiện để cụ sinh sống trên chòi.
Cụ Nhời nằm trong diện cận nghèo của địa phương, thường xuyên được ủy ban kết nối với các nhà hảo tâm chăm lo đời sống tặng gạo, nhu yếu phẩm cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.