Các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới được sản xuất theo công nghệ nào?

01/07/2021 09:11 GMT+7

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đã có nhiều loại vắc xin khác nhau trên thế giới được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và đưa vào lưu hành. Dù đều chung một mục đích là tạo miễn dịch trong cơ thể nhưng không phải tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều được sản xuất theo cùng một công nghệ . Trên thế giới hiện nay đang có bao nhiêu loại công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 và ưu, nhược điểm của từng loại khác nhau ra sao?

1. Vắc xin vi rút toàn phần (whole virus)

Nhiều loại vắc xin thông thường sử dụng toàn bộ con vi rút để kích hoạt phản ứng miễn dịch. Theo Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng, có hai kiểu vắc xin vi rút toàn phần: vắc xin sống giảm độc lực - sử dụng một dạng vi rút đã suy yếu, vẫn có thể phát triển và nhân lên, nhưng không gây bệnh và vắc xin bất hoạt chứa vi rút mà vật chất di truyền của chúng đã bị phá hủy bởi nhiệt, hóa chất hoặc bức xạ nên chúng không thể lây nhiễm và tái tạo tế bào nhưng vẫn có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc sử dụng vi rút bất hoạt để điều chế vắc xin Covid-19

Reuters

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công nghệ sử dụng vi rút toàn phần đòi hỏi phải có các phòng thí nghiệm đặc biệt để nuôi cấy vi rút một cách an toàn, thời gian sản xuất có thể tương đối dài và có thể sẽ cần tiêm hai hoặc ba liều. Vắc xin này cũng yêu cầu điều kiện bảo quản lạnh nghiêm ngặt để giữ được chất lượng.
Vắc xin Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất là 2 loại vắc xin áp dụng công nghệ này và đều sử dụng vi rút bất hoạt để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

2. Vắc xin tiểu đơn vị protein (protein subunit)

Thay vì dùng toàn bộ con vi rút, vắc xin tiểu đơn vị sử dụng một phần nhỏ của tác nhân gây bệnh hoặc các phân đoạn của protein để kích hoạt đáp ứng miễn dịch.
Theo Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng, sử dụng một phần của vi rút sẽ giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ nhưng cũng có thể tạo nên đáp ứng miễn dịch yếu hơn vì vậy có thể sẽ phải tiêm nhắc lại.
Loại vắc xin này thường sẽ phải dùng thêm các tá dược là chất giúp làm tăng tác dụng sinh miễn dịch của vắc xin. Vắc xin tiểu đơn vị protein được đánh giá là phù hợp cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Vắc xin Covid-19 Novavax của Mỹ áp dụng công nghệ vắc xin tiểu đơn vị

Reuters

Theo tổ chức Y tế Thế giới, trước Covid-19, công nghệ sử dụng tiểu đơn vị protein đã được áp dụng để chế tạo vắc xin ho gà, uốn ván, bạch hầu,.. và chủ yếu là để tiêm cho trẻ nhỏ.
Vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ này là Novavax của Mỹ.

3. Vắc xin mã di truyền (Nucleic acid - RNA và DNA)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, không giống như các phương pháp sản xuất vắc xin sử dụng toàn bộ vi khuẩn bị suy yếu hoặc chết hoặc các bộ phận của một vi khuẩn, vắc xin mã di truyền axít nucleic chỉ sử dụng một đoạn mã di truyền RNA hoặc DNA để cung cấp cho các tế bào hướng dẫn tạo ra kháng nguyên.
Đối với Covid-19 thì đoạn mã di truyền này thường là đoạn mã hóa cho việc sản xuất các protein gai (spike protein) trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Tế bào của người sẽ nhận đoạn mã và sản xuất ra các protein gai này. Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết các kháng nguyên và sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch chống vi rút gây bệnh Covid-19.

Vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna của Mỹ là 2 loại vắc xin áp dụng công nghệ vắc xin mã di truyền (mRNA)

Reuters

Trước Covid-19, mã di truyền axít nuleic đã và đang được nghiên cứu để làm vắc xin cho bệnh cúm, sốt Zika, bệnh dại,...
Ưu điểm của công nghệ sản xuất vắc xin này là sản xuất tương đối đơn giản, đáp ứng miễn dịch mạnh.
Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ này yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh và sẽ gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là ở các quốc gia và vùng lãnh thổ kém phát triển.
Vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna của Mỹ là 2 loại vắc xin áp dụng công nghệ này.

4. Vắc xin véctơ vi rút (viral vector)

Theo Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng, véctơ vi rút sử dung một loại vi rút an toàn - khác với loại vi rút mà vắc xin đang nhắm mục tiêu - để đưa những chỉ dẫn tạo miễn dịch vào tế bào cơ thể.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), véctơ là một vi rút hoặc một loại vi khuẩn không gây bệnh có thể mang một đoạn gien của tác nhân gây bệnh để đưa vào tế bào người.
Hiểu nôm na, véctơ là một phương tiện vận chuyển vật chất di truyền của tác nhân gây bệnh để đưa vào tế bào người. Các véctơ này là những vi rút hoặc vi khuẩn không gây hại với người.

Vắc xin Sputnik V của Nga áp dụng công nghệ véctơ

Reuters

Khi vào tế bào người, các véctơ sẽ nhường lại vật chất di truyền đã được chọn lọc có chủ đích cho tế bào và tế bào sẽ sử dụng mã di truyền này để sản xuất kháng nguyên. Kháng nguyên này sẽ được cơ thể nhận diện và tạo nên đáp ứng miễn dịch chống vi rút gây bệnh.
Lấy ví dụ một cách dễ hiểu, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca chứa một loại vi rút gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen nhằm tạo kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Công nghệ vắc xin véctơ vi rút cũng được áp dụng để nghiên cứu, chế tạo vắc xin phòng bệnh Ebola.
Tiêm vắc xin véctơ vi rút có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu tế bào cơ thể từng tiếp xúc với véctơ có trong vắc xin trước đây, vắc xin có thể sẽ bị giảm hiệu quả. Quy trình sản xuất loại vắc xin này cũng tương đối phức tạp so với những loại vắc xin khác. AstraZeneca của châu Âu, Johnson & Johnson của Mỹ và Sputnik V của Nga là 3 loại vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.