Bánh “bảy lửa” gia truyền có hơn 200 năm ở Đà Nẵng

21/01/2020 08:29 GMT+7

Bánh khô mè còn có tên gọi là bánh “bảy lửa” vì công đoạn làm bánh phải trải qua ngọn lửa bảy lần. Đây là món đặc sản của Đà Nẵng có “tuổi đời” hơn 200 năm.

Bánh “bảy lửa” hay bánh khô mè còn có tên khác là bánh khô khổ. Tên bánh được đặt theo cách chế biến và nguồn gốc ra đời.
Giải thích cái tên "bảy lửa", ông Huỳnh Đức Khiển, chủ xưởng bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, cho biết: “Quá trình làm bánh phải qua 7 ngọn lửa nên được gọi là bánh bảy lửa. Trong 7 ngọn lửa đó không hoàn toàn là nướng mà còn có hấp, lửa nấu nước đường…Thời xưa, vừa đói vừa nghèo, gia đình nào có gạo có nếp là đem rang xay thành bột để trữ làm lương thực. Trong gia đình tôi có ông cố tổ năm đó đi dự thi ở kinh thành Huế, để chuẩn bị lương thực cho ông mang đi đường, vừa dễ mang, dễ ăn bà cố tổ nghĩ ra món bánh khô mè này. Sau khi mời các quan viên và hàng xóm ăn thử ai cũng khen và từ đó món bánh khô mè ra đời”.

Vào những ngày cận Tết, cơ sở làm bánh khô mè phải tăng số lượng lên gấp 4 lần để đủ đáp ứng nhu cầu thị trường

Phan Giang

Bánh khô mè thoạt nhìn khá giống kẹo mè xửng Huế nhưng hương vị loại khác biệt hoàn toàn. Bánh giòn xốp và ăn khá vui miệng

Phan Giang

Làng nghề bánh khô mè ra đời, tuy nhiên theo năm tháng và kinh tế thị trường giờ đây số hộ làm loại bánh này không còn nhiều. Riêng với cơ sở bà Liễu Mẹ được xem là nơi nổi tiếng nhất và có cơ sở sản xuất hiện đại.
“Bánh khô mè chính thức được thương mại hóa là năm 1998 nhưng đến năm 2013 thì tôi mới gây dựng thương hiệu của gia đình. Ở vùng miền nào cũng có bánh truyền thống và ngày càng mai một đi, không muốn nghề bánh gia truyền mất đi tôi dành toàn bộ thời gian của mình cùng những gì mình học được tạo lập xưởng với cách làm hiện đại hơn. Việc lập xưởng cũng giúp thương hiệu của chúng tôi được đi xa hơn. Bạn biết đấy, thị trường bánh kẹo hiện tại rất cạnh tranh, về mẫu mã hàng truyền thống đã không bằng các loại khác nên chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng và vệ sinh”, anh Huỳnh Đức Sol, con trai chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, kể lại.

Ngày nay nhiều gia đình đầu tư máy móc hiện đại hơn để làm số lượng lớn, đồng thời cũng đảm bảo được khâu vệ sinh an toàn thực phẩm

Minh Tâm

Cơ sở Bà Liễu Mẹ còn đa dạng hơn về hương vị bánh khi biến tấu với nhân bánh mì, gạo lứt và mè đen

Minh Tâm

Bánh khô mè thoạt nhìn khá giống mè xửng Huế nhưng lại có hương vị hoàn toàn khác biệt. Bên ngoài phủ lớp áo mè bùi bùi kết hợp với chút thơm thơm, ngòn ngọt từ đường kẹo và gừng. Đặc biệt là phần bột nếp bên trong giòn tan ăn khá vui miệng.

Cơ sở sản xuất tất bật vào vụ Tết

Minh Tâm

Giá của mỗi gói bánh khô mè dao động từ 20.000 đồng - 50.000 đồng tùy loại

Minh Tâm

Không chỉ là đặc sản mua làm quà mà bánh khô mè còn được bày trên bàn thờ ngày Tết

Phan Giang

Ông Khiển còn cho biết thêm, ngày trước bánh khô mè sẽ sử dụng quế Trà Mi để làm gia vị cho vào nước đường. Tuy nhiên, đến khi làng quế Trà Mi không còn, loại nguyên liệu này được thay bằng gừng.
“Mặc dù gừng thay thế hương vị cũng rất thơm ngon nhưng với ký ức về món bánh gia truyền mình đã từng ăn tôi vẫn “thèm” hương vị ngày đó hơn,” ông Huỳnh Đức Khiến bộc bạch về món bánh khô mè.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.