Vỉa hè Q.1 vẫn 'thất thủ' sau chiến dịch của ông Đoàn Ngọc Hải

06/06/2019 16:10 GMT+7

Sau hai năm kể từ 'chiến dịch giành lại vỉa hè' do ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) chỉ đạo, vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở Q.1 vẫn 'thất thủ'.

Sau gần hai năm ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện "chiến dịch giành lại vỉa hè", vỉa hè trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM vẫn lộn xộn.
Buôn bán tràn lan dọc đường Lý Tự Trọng Ảnh: Nhật Linh
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn vỉa hè trước khu vực Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, xe máy dựng lấn chiếm gần hết vỉa hè. Hầu hết là xe của khách đến ăn uống tại các quán hàng rong trên tuyến đường này.
Còn tại cổng sau Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cơ sở 2 (đường Lý Tự Trọng), xe bán đồ ăn, thức uống, đồ chơi cho trẻ em lưu động xếp dài, vô cùng lộn xộn.
Vỉa hè ở một số tuyến đường khác như Phó Đức Chính, Pasteur, Lý Tự Trọng... cũng bị hàng rong, xe máy chiếm dụng. Người đi bộ muốn đi qua những khu vực này phải len giữa xe máy, "bàn ghế di động" của hàng rong.
Anh Vương Minh Đức (ngụ đường Pasteur, Q.1) cho biết: “Ông Đoàn Ngọc Hải hết dẹp vỉa hè thì mọi thứ lại như cũ... Mấy hôm trước, tôi và gia đình mất cả 15 phút để vô nhà cũng chỉ vì xe đậu ngổn ngang trên vỉa hè”.
[VIDEO] Ông Đoàn Ngọc Hải và những phát ngôn "gây bão" trước khi từ chức

Vỉa hè ở cổng sau Bệnh viện Nhi đồng cơ sở 2 trở thành nơi buôn bán Ảnh: Thu Ngân
Bãi giữ xe trên vỉa hè đường Hải Triều Ảnh: Nhật Linh
"Chiến dịch giành lại vỉa hè" được bắt đầu vào ngày 16.1.2017 tại Q.1 do ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo, trực tiếp xuống đường. Sau 40 ngày, Q.1 đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm. Sau Q.1, "chiến dịch giành lại vỉa hè" tiếp tục được thực hiện trên địa bàn một số quận khác của TP.HCM.

Lấn chiếm vỉa hè bị xử phạt đến 40 triệu đồng

Theo Khoản 1, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ 2008, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Khoản 2, Điều 35 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông…
Mức xử phạt hành chính được quy định trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, điều 12 của Nghị định này quy định mức xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng cho tới mức cao nhất là 40 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.