Vị vua nào đã ban tên Vĩnh Tế cho con kênh nổi tiếng?

Nam Hoa
Nam Hoa
11/09/2021 11:00 GMT+7

Kênh đào Vĩnh Tế là một công trình vĩ đại của quân và dân vùng biên giới Việt - Miên hồi đầu triều Nguyễn. Gần 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế vẫn phát huy tác dụng với nông nghiệp và thương mại của cả một vùng biên viễn phía Tây Nam.

Các tài liệu lịch sử về sự kiện đào kênh Vĩnh Tế (Gia Định thành thông chí, Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…) đều ghi nhận rằng, người có công lao nổi bật trong công trình vĩ đại này là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Tuy nhiên, con kênh đào nổi tiếng này lại mang tên người vợ của ông - bà Châu Thị Vĩnh Tế (hay còn gọi Châu Thị Tế). Vì sao con kênh lại mang tên bà?

Vì sao con kênh nổi tiếng lại có tên Vĩnh Tế?

Vùng đất An Giang - Kiên Giang ngày nay mang rất nhiều dấu ấn của Thoại Ngọc Hầu, trong các giai đoạn ông làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, hay Án thủ Châu Đốc kiêm quản biên vụ trấn Hà Tiên. Trước khi đào kênh (sông) Vĩnh Tế, Thoại Ngọc hầu đã chỉ huy dân binh đào một con kênh lớn khác từ Đông Xuyên (Long Xuyên ngày nay) về Rạch Giá vào năm 1818.
Quốc triều chánh biên toát yếu - quyển II, viết về những sự kiện năm Gia Long thứ 16 (1817): “Tháng 11, đào sông Tam Khê… Ngài nghĩ chỗ ấy gần Chân Lạp, địa thế rậm rạp lắm, đàng thủy đi qua Kiên Giang thời bùn và cỏ, thuyền không đi được, Ngài khiến trấn thủ Nguyễn Văn Thụy sửa sang đàng sông, bắt dân mình và dân Cao Man 1.500 người phát tiền gạo cho, khiến nhơn đàng cũ mà đào cho rộng, hơn một tháng mới xong, lợi ích cho dân lắm. Ngài khen công ông Thụy, đặt tên sông là Thụy Hà; phía đông có núi Lạp cũng gọi là Thụy Sơn; cấm dân không được chặt cây”.
Thoại Hà (hay Thụy Hà) chính là “một đường sông dài đầu tiên được đào tay ở miền Nam với mục đích phát triển lưu thông và thương mại” (theo Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nguyễn Văn Hầu, NXB Hương Sen 1972).
Như vậy từ trước đã có một con kênh đào và một quả núi cạnh đó được vua Gia Long ban đặt bằng tên ông Thoại (núi Thoại Sơn chính là núi Sập ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).
Trong quá trình đào con kênh nối Châu Đốc với Hà Tiên, bà Châu Thị Vĩnh Tế đã có nhiều đóng góp phụ giúp cho chồng. Sách về Thoại Ngọc Hầu đã dẫn có ghi chép: “Việc thứ hai là trong số người đào kinh, ngoài binh và dân, còn có cả đàn bà con gái phụ trách những việc nhẹ nhàng như nấu ăn, gánh nước… Điều này được soi sáng thêm vào việc vua khen bà Châu Thị Tế đã từng giúp chồng nhiều việc cho nên chồng mới được cái vinh dự thành công và bà mới được lấy tên đặt cho kinh và cho núi (tất nhiên công tác của bà phải có nữ giới trợ lực)”.
Với những lý do nói trên, mặc dù kênh Vĩnh Tế gắn liền với tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu, nhưng nó lại được mang tên người vợ của ông.

Vị trí sông Thoại Hà (đường nét đứt) nối Long Xuyên (An Giang) với Rạch Giá (Kiên Giang)

ẢNH: TƯ LIỆU

Vua Gia Long hay vua Minh Mạng đã ban tên Vĩnh Tế?

Quốc triều chánh biên toát yếu - quyển III, năm 1822, viết: “Tháng 10 vua (Minh Mạng) có sắc dụ trước khi cho tiến hành tiếp tục công việc đào kênh đã bị gián đoạn từ tháng 3 năm 1820: Đường sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là thuận lợi…”.
Nguyễn Văn Hầu (1922-1995), nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, trong Thoại Ngọc Hầu, viết về việc này: “Chữ Vĩnh Tế dùng ở đây là không đúng, vì lúc bấy giờ kinh còn đang đào, chưa có tứ danh Vĩnh Tế. Có lẽ sử thần sau này chép lại đã không chú ý đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua.”
Tuy nhiên, Gia Định thành thông chí - tập Thượng, mục “Vĩnh Tế hà” của Trịnh Hoài Đức viết: “Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào phía hữu sau đồn Châu Diên lên phía tây qua náo khẩu Ca-âm đến Kỳ Thọ (tục danh Cây cầu) dài 44.412 tầm, thành 205 dặm rưỡi, đặt tên là sông Vĩnh Tế”.
Điều cần lưu ý rằng, 3 tập Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được giới nghiên cứu cho rằng ra mắt lần đầu tiên vào năm 1820, Đại Nam thực lục (tập 2, Chính biên- đệ nhị kỷ, quyển III) cũng chép: “Năm 1820, vua Minh Mạng xuống chiếu tìm sách cũ… Do đó trong ngoài đều đem các bản biên chép đến dâng. Thượng thư Trịnh Hoài Đức dâng sách Gia Định thông chí (3 quyển) và sách Minh Bột di ngư văn thảo… (các nhà nghiên cứu cho rằng, ban đầu tên sách là Gia Định thông chí, do năm 1808 “Gia Định trấn” được đổi thành “Gia Định thành”, mà tên sách bị đổi theo. Việc kiểm chứng bản gốc của sách gặp nhiều khó khăn vì hiện tại có đến… 16 bản của bộ sách này đang được lưu giữ trong và ngoài nước).

Lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Vĩnh Tế (núi Sam) ở Châu Đốc, An Giang 

ẢNH: TƯ LIỆU

Nếu Gia Định thành thông chí được dâng vua Minh Mạng vào năm 1820, thì việc sách chép tên con sông đào là “Vĩnh Tế” có từ lúc vua Gia Long lệnh đào “sông Vĩnh Tế” vào cuối năm 1819 là có căn cứ.
Nguyễn Văn Hầu trong Thoại Ngọc Hầu nhắc tới việc vua (Minh Mạng) lấy tên bà Châu Thị Vĩnh Tế đặt tên cho sông và núi, tuy nhiên ông cũng ghi nhận lại một nghi vấn về việc rất nhiều năm tìm kiếm, nhưng ông không thấy được chút thông tin nào của bia “Vĩnh Tế hà” mà Đại Nam nhất thống chí ghi là được vua Minh Mạng “sắc cho quan hữu tư địa phương dựng bia ở bên bờ sông”.
Như vậy, rất có thể thực sự là vua Gia Long đã đặt tên cho con kênh đào vĩ đại này ngay từ ngày đầu, và ngài có lý do để đặt tên như vậy - để ghi nhận công lao của cả hai vợ chồng Thoại Ngọc Hầu, bởi một người như bà Châu Thị Vĩnh Tế, chắc chắn đã trợ giúp chồng rất nhiều từ trước khi ông đào kênh (sông) Vĩnh Tế. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.