‘Vị tướng với mùa xuân’ - điểm nhấn binh nghiệp từ những chi tiết đắt

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
11/04/2021 14:00 GMT+7

Đã có một số nhà văn viết về cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu khá thành công, Vị tướng với mùa xuân của Nguyễn Hường (NXB Hội Nhà văn, 2021) có gì khác? Với câu hỏi đó, tôi đã đọc cuốn sách này ngay khi vừa được in xong.

Nguyễn Hường là nhà báo công tác tại Báo Đời sống và Pháp luật, nên trong cuốn sách Vị tướng với mùa xuân, thể loại bút ký, cô đã tận dụng tốt nhất năng lực và cái nhìn mang tính báo chí của mình. Thể hiện rõ nhất là cách Nguyễn Hường khơi gợi đề tài và đặt vấn đề khi tiếp cận một nhân vật nổi tiếng trong giới quân sự. Những chi tiết đắt giá được cô “tóm gọn” trong khi nghe vị tướng kể chuyện trận mạc. Đặc biệt, cô biết cách nhấn mạnh chi tiết, khai thác sâu thêm, và cũng đủ tài năng để nâng chi tiết lên thành biểu tượng, khiến người đọc xúc động và ghi nhớ mãi đời binh nghiệp của vị tướng anh hùng qua các bài báo, ghi chép của cô trong suốt 12 năm bền bỉ tiếp cận với vị tướng.
Một trong những chi tiết đắt giá gắn liền với vị tướng trận mạc Nguyễn Huy Hiệu, đã được ngòi bút Nguyễn Hường đưa lên thành biểu tượng xúc động của chiến tranh, đó là chiếc khăn dù hoa màu xanh. Trước tiên, Nguyễn Hường dùng cách kể chuyện hấp dẫn, đưa ra những công dụng phụ của chiếc dù chiến lợi phẩm quân ta lấy được từ giặc Mỹ. Những công dụng ấy thật là đa dạng: “Những người lính chiến trận thường thích giữ lại chiếc dù hoa màu xanh lá cây vì loại vải dù này rất bền và có nhiều công dụng. Dùng để ngụy trang, che mắt địch. Dùng để quàng cổ thay khăn cho đỡ lạnh vào mùa mưa. Đêm nằm ngủ lấy dù quấn kín người để tránh muỗi, vắt dưới hầm. Dùng khăn dù ga-rô vết thương. Còn khi địch thả hơi cay, chỉ cần thấm nước một góc khăn, bịt lấy mũi sẽ được an toàn. Đặc biệt, khi người lính hy sinh, đồng đội sẽ dùng chính chiếc khăn dù đó khâm liệm, chôn dưới đất hàng chục năm chưa mục. Đối với những người lính ở chiến trường, chiếc khăn dù hoa thật quý giá. Họ thường dùng chỉ ni-lon màu thêu tên mình, quê quán, tên đơn vị theo ký hiệu trong chiến tranh vào khăn, nếu hy sinh thì sau này đồng đội và người thân đi tìm không bị nhầm lẫn với liệt sĩ khác”. Khi về tay quân ta, thì công dụng của chiếc dù Mỹ đã biến ảo kỳ diệu như thế đó.
Và chiếc khăn dù màu xanh lá cây của tướng Hiệu khi ấy cũng có câu chuyện đặc sắc của riêng nó. Tác giả Nguyễn Hường bằng lối kể chuyện chân thực, đã cuốn người đọc theo dòng chảy của chiến tranh, thân phận của người lính, người chỉ huy trong cuộc chiến ấy qua số phận của một tấm dù Mỹ được chia thành 18 phần, hóa thân thành 18 chiếc khăn đa năng cho 18 chiến sĩ và sĩ quan. “Mùa xuân năm 1968, Nguyễn Huy Hiệu mới 21 tuổi nhưng đã là một Đại đội trưởng dày dạn trận mạc. Trong một đêm đi thu chiến lợi phẩm, đơn vị của anh đã tìm được một chiếc dù hoa màu xanh lá cây. Chiếc dù 18 múi được chia thành 18 phần, chia cho 17 người trong đại đội và anh dùng múi thứ 18. Đơn vị của anh thống nhất, thêu 4 chữ “Đường 9 - Quyết Thắng” và thông tin họ tên, phiên hiệu đơn vị. Riêng chiếc dù thứ 18 của Nguyễn Huy Hiệu, mới chỉ thêu được 4 chữ “Đường 9 - Quyết Thắng”, chưa kịp thêu họ tên thì người lính khéo tay tên Thuấn, chuyên thêu lên khăn đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Chiếc khăn trở thành vật bất ly thân, là kỷ vật vô giá, theo Nguyễn Huy Hiệu vào sinh ra tử ở những chiến dịch lớn. Có lần, ở chiến dịch Quảng Trị, chiếc khăn vắt ở cửa hầm, bị đạn cối, pháo hạm bắn vào, thủng 7 miếng. Nhưng kỳ lạ thay, Nguyễn Huy Hiệu lại không bị vết thương nào. Dường như chiếc khăn có độ dai vô địch đã che chắn an toàn cho anh. Tuy nhiên, trong 18 người được chia cùng chiếc dù xanh năm đó làm khăn, thì 17 người đã hy sinh anh dũng trong chiến trận, chỉ còn duy nhất Nguyễn Huy Hiệu còn sống trở về”.
Ngoài câu chuyện về chiếc khăn dù màu xanh, trong Vị tướng với mùa xuân còn những chi tiết đắt khác đã được tác giả Nguyễn Hường khai thác kỹ và đưa vào sách, như “tấm bản đồ bí mật” của bà má tham mưu đã gỡ bí ra sao cho Nguyễn Huy Hiệu và Trung đoàn Triệu Hải anh hùng vào tháng 4.1975. Khi nhiệm vụ của Trung đoàn là “tiến công đập tan tuyến tử thủ Sài Gòn của địch vào Gò Vấp, cùng với các mũi tấn công khác đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố”, thì khó khăn lớn nhất là chưa nắm được địch và tình hình khu vực cần đánh. Một điều thần kỳ đã xảy ra, đó là Nguyễn Huy Hiệu đã được bà má tham mưu giao cho “tấm bản đồ bí mật”, và tấm bản đồ này đã “dẫn” đoàn quân đi đến chiến thắng cuối cùng.
Tác giả Nguyễn Hường đã khéo léo chọn lọc, và bày biện các chi tiết đắt giá đó trong tác phẩm Vị tướng với mùa xuân, như những mảnh ghép khác nhau, mà mỗi mảnh ghép đều có màu sắc riêng biệt, rõ nét, để bạn đọc hình dung được sâu sắc một biểu tượng anh hùng chung nhất, biểu tượng sống động của người lính, người sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.