Vì thị trường lành mạnh và bền vững

05/05/2022 06:06 GMT+7

Việc xử lý đối với các cá nhân sai phạm tại FLC, Tân Hoàng Minh , Louis Holdings... vừa qua là mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Nhiều người, qua các kênh truyền thông chính thống đã hiểu được bản chất các vụ việc, ủng hộ công cuộc ngăn chặn hành vi phạm pháp của cá nhân, doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định; thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm thất thoát lãng phí nguồn lực xã hội. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư khác còn băn khoăn bởi thông tin không chính thống trên mạng và bình luận phiến diện từ báo nước ngoài theo kiểu “doanh giới lo lắng ra sao; liệu thị trường Việt Nam sẽ nghẽn…?”.

Ngăn chặn hành vi thao túng thị trường chứng khoán là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư

Linh Linh

Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước, những lĩnh vực về thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp… nằm trong các yếu tố của kinh tế thị trường mà Đảng ta coi như là một trong những khâu thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường; qua đó đã thiết lập được khung pháp lý, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và bộ máy vận hành chủ trương, chính sách đồng bộ và hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và làm giàu lành mạnh, chính đáng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Thực tế thị trường vốn trên đà phát triển ổn định, ngày càng là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và cho doanh nghiệp.

Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) thời gian qua là nguồn huy động tài chính quan trọng khi đã hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn xưa nay là tín dụng ngân hàng. Thu hút giới đầu tư và người dân có vốn nhàn rỗi, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỉ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020; khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỉ đồng, theo Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh thị trường này cần được tiếp tục hoàn thiện về cấu trúc, hạ tầng và bổ sung thêm các quy định pháp luật phù hợp, đã có một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật, dùng chiêu trò nhằm thu lợi bất chính, tạo ra bất ổn cho nền kinh tế. Ngăn chặn các biểu hiện lũng đoạn mang tính riêng lẻ như vừa qua là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chung, lợi ích nhà đầu tư, giúp cho thị trường vốn đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. Việc xử lý thiểu số sai phạm này, theo khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính. Thủ tướng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, minh bạch, làm giàu chính đáng”.

Chẳng những không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường vốn, Chính phủ còn đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư, kể cả việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp lỡ vướng sai phạm để họ khắc phục mà tiếp tục kinh doanh, sản xuất tốt hơn.

Những quan điểm mạnh mẽ và nhất quán như trên chính là cơ sở vững chắc cho nền kinh tế, phù hợp với nhận định mới đây của đại diện Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương rằng, đã có các bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.