Vì sao y bác sĩ bệnh viện quận, huyện ở TP.HCM nghỉ việc?

Duy Tính
Duy Tính
12/11/2023 06:59 GMT+7

Theo thống kê của ngành y tế TP.HCM, 10 tháng của năm 2023 tại 19 bệnh viện (BV) quận, huyện và TP.Thủ Đức có tổng cộng 142 nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc, trong đó nghỉ nhiều nhất là bác sĩ với 69 người; tiếp theo là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y với 52 người; chuyên môn khác là 21 người. Tổng số NVYT hiện có của khu vực này là 8.156 người.

BV TP.Thủ Đức nghỉ nhiều nhất

Phân tích chi tiết cho thấy, BV TP.Thủ Đức dẫn đầu về số lượng NVYT nghỉ việc. Theo đó, 10 tháng của năm 2023 BV này có 37 người nghỉ việc. Trong khi đó, vào năm 2022 số người nghỉ việc ở BV này cũng nhiều nhất với 120 người và năm 2021 số nghỉ việc cũng đứng đầu với 94 người. BV TP.Thủ Đức hiện có 1.584 người.

Vì sao y bác sĩ bệnh viện quận, huyện ở TP.HCM nghỉ việc ?  - Ảnh 1.

Bệnh nhân đi khám bệnh ở BV quận tại TP.HCM

DUY TÍNH

Năm 2021 xảy ra dịch bệnh Covid-19, đến năm 2022, 2023 thì giám đốc và một số phó giám đốc, nhân viên BV TP.Thủ Đức vướng án hình sự và đang chờ xét xử. Cùng với đó là tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, công nợ và giảm thu nhập tác động không nhỏ đến tinh thần NVYT.

Xếp thứ 2 về NVYT nghỉ việc 10 tháng của năm 2023 là BV Q.Bình Tân với 21 người. Năm 2022 BV này có 16 người và 2021 có 12 người nghỉ việc...

Thu nhập vẫn là nguyên nhân sâu xa

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 9.11, lãnh đạo BV TP.Thủ Đức cho biết, thời gian qua tại BV đã xảy ra một số vụ việc và ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, cùng với đó là vấn đề thu nhập cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến một số NVYT nghỉ việc.

Theo vị lãnh đạo này, NVYT nghỉ việc nếu thuộc diện sắp xếp của BV thì sẽ khác, thí dụ bộ phận nào dôi dư sẽ tinh gọn, bộ phận nào đủ thì giữ nguyên, bộ phận nào thiếu sẽ bổ sung. Còn việc "nghỉ ngang" như vậy trên bình diện chung có tác động đến một số khâu, gây khó khăn cho BV. Nhưng hiện nay BV đã sắp xếp ổn định và thu nhập bình quân chung của BV tăng từ 13,1 triệu đồng/người/tháng năm 2021 lên 15 triệu đồng/người/tháng vào năm 2022.

Để giữ chân nhân viên, lãnh đạo BV TP.Thủ Đức đã và đang thực hiện 4 giải pháp, gồm điều chỉnh lại thu nhập nhân viên, nhất là khối điều dưỡng; sắp xếp lại công việc hợp lý; tạo điều kiện để NVYT đi học; và xếp hạng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với những giải pháp trên, lãnh đạo BV tin tưởng NVYT sẽ không rời BV nữa.

Lãnh đạo BV Q.Bình Tân cũng cho biết, về mặt quân số thì BV cũng giữ ổn định, có khi tăng thêm. "NVYT nghỉ việc chủ yếu là các nhân viên trẻ, còn NVYT lớn tuổi nghỉ không nhiều. Chúng tôi chỉ đắn đo thu nhập chênh lệch giữa khối y tế công và tư, còn so với các BV trong cùng khối thì nguồn chi của BV Q.Bình Tân không thua kém", lãnh đạo BV Q.Bình Tân nói.

Về giải pháp giữ chân NVYT, vị này cũng cho rằng BV chú trọng đào tạo nâng cao chuyên môn ở tất cả khoa, phòng. Tiếp đến, với nguồn chi BV thì không hạn chế, vấn đề nào chi được thì BV đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện chi; các chế độ chính sách cũng được đảm bảo…

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Trong các cuộc khảo sát của Thường trực HĐND TP.HCM tại một số địa phương, vấn đề NVYT nghỉ việc và giải pháp về thu hút, giữ chân NVYT tuyến cơ sở, kể cả BV quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng được các đại biểu đặt ra. Theo đó, hướng đến giải pháp về cơ chế chính sách tiền lương, đào tạo, ưu đãi nghề…

Vì sao y bác sĩ bệnh viện quận, huyện ở TP.HCM nghỉ việc ?  - Ảnh 2.

Bệnh viện H.Củ Chi thời gian qua thu hút nhiều bác sĩ. Trong ảnh, bác sĩ Bệnh viện H.Củ Chi đang khám cho bệnh nhân

DUY TÍNH

Về vấn đề này, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ: "Hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa tuyển dụng được NVYT, rõ ràng vai trò của chính quyền địa phương rất lớn trong việc thu hút NVYT. Như câu chuyện của BV đa khoa H.Củ Chi, cách đây khoảng 8 năm BV này chỉ có 13 bác sĩ, hiện tại có hơn 100 bác sĩ trong khi TP.HCM chưa có cơ chế riêng cho BV này. Điều này cho thấy vai trò của chính quyền H.Củ Chi như thế nào để thu hút được lượng bác sĩ như vậy".

Theo bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV H.Củ Chi, thời gian qua H.Củ Chi có chính sách thu hút NVYT, mỗi tháng chi thêm một số tiền nhất định tùy theo năm, giai đoạn. Lúc đưa vào hoạt động BV mới năm 2016 thì có xây thêm khu chuyên gia. Đây là 2 vấn đề chính thu hút nguồn lực giai đoạn đầu. Tiếp đến, BV H.Củ Chi được Sở Y tế, các BV đầu ngành hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, BV được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, động viên. Với các ca bệnh khó, khi BV thực hiện thành công thì lãnh đạo huyện đến khen thưởng, động viên. Vấn đề cuối cùng là sự nỗ lực của NVYT toàn BV.

"BV cũng có người nghỉ việc, phải tuyển người vào đào tạo, kế thừa. Thật sự BV H.Củ Chi là địa bàn rất khó thu hút NVYT và bệnh nhân lại không nhiều. Muốn thu hút NVYT thì phải có thu nhập, có nguồn bệnh đông và giá thu thay đổi. Do đó, BV đã thực hiện thêm dịch vụ kỹ thuật mới ở các chuyên khoa và đa dạng loại hình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của người dân", bác sĩ Trần Chánh Xuân nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2021, 2022 và 10 tháng của năm 2023, có 1.024 NVYT BV quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc. Trong đó có 406 bác sĩ, 448 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; số còn lại là các chức danh khác. Có nhiều lý do nghỉ việc khác nhau và hầu hết thôi việc vì lý do hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, đó là áp lực công việc, không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19; mức thu nhập thấp; nhà xa; chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác, BV tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.