Vì sao vốn hóa thị trường chứng khoán 'bốc hơi' 11,5 tỉ USD trong phiên cuối tuần?

Mai Phương
Mai Phương
18/08/2023 19:07 GMT+7

Hàng loạt cổ phiếu bỗng nhiên giảm mạnh hết biên độ, nằm sàn trong phiên cuối tuần ngoài dự đoán của nhà đầu tư và làm vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (18.8), VN-Index bất ngờ giảm 55,49 điểm (tương đương giảm 4,5%) xuống 1.177,99 điểm. Đây là phiên lao dốc mạnh nhất kể từ giữa tháng 5.2022 đến nay của VN-Index. Tương tự, chỉ số HNX-Index bốc hơi 5,6%, xuống 235,96 điểm và UPCoM-Index giảm 3,75%. Cơn lao dốc của hàng loạt cổ phiếu khiến vốn hóa thị trường chứng khoán mất đi 274.000 tỉ đồng, tương đương 11,5 tỉ USD.

Vì sao vốn hóa thị trường chứng khoán 'bốc hơi' 11,5 tỉ USD trong phiên cuối tuần? - Ảnh 1.

VN-Index lao dốc giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Số lượng cổ phiếu giảm giá hầu như tràn ngập bảng điện tử và trong đó số mã rớt sàn, trắng bên mua cũng khá nhiều. Chẳng hạn, sàn TP.HCM có 486 mã chứng khoán chìm trong sắc đỏ trên tổng số 529 mã đang giao dịch, trong đó có 170 cổ phiếu bị bán tháo rớt về giá sàn.

Thanh khoản của thị trường phiên này cũng đột biến lên hơn 42.000 tỉ đồng khi có hơn 2 tỉ cổ phiếu được giao dịch. Trong đó, riêng sàn TP.HCM (HOSE) ghi nhận giá trị giao dịch là hơn 36.145 tỉ đồng với 1,7 tỉ cổ phiếu trao tay, tăng gần 50% so với phiên hôm qua. Đây là khối lượng giao dịch kỷ lục của sàn HOSE kể từ khi đi vào hoạt động đến nay. Thanh khoản của HNX lên hơn 4.178 tỉ đồng và UPCoM gần 1,9 tỉ đồng. 

Vì sao vốn hóa thị trường chứng khoán 'bốc hơi' 11,5 tỉ USD trong phiên cuối tuần? - Ảnh 2.

Cổ phiếu giảm sàn la liệt cuối phiên 18.8

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á - trong ngày hôm nay đồng loạt có nhiều thông tin tiêu cực và dù không xuất phát từ các doanh nghiệp niêm yết hay từ kinh tế vĩ mô nhưng vẫn được suy diễn mạnh. Đó là câu chuyện từ cổ phiếu VinFast đang giao dịch trên sàn Nasdaq phiên 17.8 (theo giờ Mỹ) giảm khiến các cổ phiếu thuộc họ Vingroup tại sàn HOSE cũng quay đầu đi xuống. 

Hay việc tỷ giá USD/VND đang tăng nhanh cũng khiến nhà đầu tư lo ngại rằng kế hoạch giảm lãi suất của các ngân hàng sẽ khó diễn ra như mong muốn. Thậm chí, câu chuyện tập đoàn bất động sản Evergrande Group tại Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản hôm qua cũng dấy lên tâm lý lo ngại về tình hình của ngành bất động sản Việt Nam... 

"Những tin tức không tích cực cùng xuất hiện lúc này khiến tâm lý nhà đầu tư suy diễn khá nhanh. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng trong giao dịch vì có thể bị sụp bẫy, rủi ro mất tiền. Có thể nhìn vào thanh khoản của nhiều cổ phiếu lớn sẽ thấy có những kịch bản đáng ngờ. Bởi theo tính toán của riêng cá nhân tôi, thời gian qua dù VN-Index tăng cao nhưng chủ yếu do một số cổ phiếu blue-chips. Còn lại 60 - 70% số cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã có đợt điều chỉnh, giảm khoảng 10 - 15%. Hiện rất nhiều cá nhân muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng đã xuống thấp. Sau phiên giảm sốc hôm nay thì nhiều cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn và tôi cho rằng đây là cơ hội cho dòng tiền mới", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.