Vì sao Viện kiểm sát rút kháng nghị đối với 15 bị cáo vụ buôn lậu xăng?

Ngân Nga
Ngân Nga
05/04/2023 11:57 GMT+7

Các bị cáo có đơn xin cứu xét, kèm theo tài liệu, chứng cứ là tình tiết giảm nhẹ mới về nhân thân nên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM rút kháng nghị đối với 15 bị cáo.

Ngày 5.4, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

Phiên tòa được mở ra theo kháng cáo của các bị cáo: Phan Thanh Hữu (nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 24 trong số 74 bị cáo của vụ án xin được giảm nhẹ hình phạt; xem xét lại phần thu nhập bất chính của các bị cáo; và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự.

Cấp phúc thẩm còn xem xét kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa xét xử theo hướng tăng hình phạt, không cho hưởng án treo, không áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền và chuyển sang áp dụng hình phạt tù giam đối với 28 bị cáo.

Vì sao Viện kiểm sát rút kháng nghị đối với 15 bị cáo vụ buôn lậu xăng? - Ảnh 1.

Bị cáo Phan Thanh Hữu

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, tại phiên tòa, HĐXX thông báo, trước khi phiên tòa diễn ra, Viện kiểm sát cho biết rút kháng nghị đối với 15 bị cáo.

Lý do Viện kiểm sát đưa ra là vì thời gian gấp rút, việc nghiên cứu, ban hành kháng nghị phúc thẩm nêu trên chỉ trên cơ sở nội dung của bản án sơ thẩm, không có hồ sơ, tài liệu chứng cứ nào khác.

Sau khi thụ lý hồ sơ phúc thẩm, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nhận thấy trong số 28 bị cáo bị kháng nghị phúc thẩm có một số trường hợp mức án sơ thẩm tuyên phạt là tương xứng với vị trí, vai trò và mức độ tham gia giúp sức. Mặt khác, các bị cáo có đơn xin cứu xét, kèm theo tài liệu, chứng cứ là tình tiết giảm nhẹ mới về nhân thân nên Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã quyết định rút kháng nghị đối với 15 bị cáo.

Thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng từ buôn lậu xăng

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 3.2020 - 2.2021, nhóm của Hữu và Viễn đã góp vốn 54 tỉ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.

Nhóm này thuê tàu vận chuyển 48 chuyến xăng lậu, tổng cộng gần 200 triệu lít, trị giá gần 2.600 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo đã tiêu thụ gần 200 triệu lít, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 150 tỉ đồng.

Vì sao Viện kiểm sát rút kháng nghị đối với 15 bị cáo vụ buôn lậu xăng? - Ảnh 2.

Bị cáo Ngô Văn Thuỵ

NHẬT THỊNH

Cuối năm 2020, Viễn cùng 2 người nữa góp hơn 19 tỉ đồng mua 2 tàu biển để chở xăng lậu. Sau khi tàu của Viễn chở xăng về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh phía nam Trung bộ. Từ tháng 2 - 4.2021, nhóm Viễn và đồng phạm đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít xăng, trị giá gần 98 tỉ đồng.

Bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Nam (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), có chức năng kiểm tra, khám xét, bắt giữ đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau. Thế nhưng Thụy đã nhận của các bị cáo hơn 800 triệu đồng tại nhà riêng của mình để không kiểm tra, xử lý các tàu vận chuyển xăng nhập lậu.

Hồi tháng 12.2022, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hữu 16 năm tù; Viễn 17 năm tù cùng về tội buôn lậu. Các bị cáo còn lại bị phạt tiền, phạt bằng thời gian tạm giam, từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 15 năm tù. Riêng bị cáo Thụy bị phạt 15 năm tù về tội nhận hối lộ.

Sau hơn 3 giờ làm thủ tục, chiều nay 5.4, phiên tòa bước sang phần xét hỏi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.