Vì sao Trung Quốc liên tục tạm dừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam?

19/09/2021 17:34 GMT+7

Diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây khiến xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường này ngày càng khó khăn hơn khi cạnh tranh với hàng nội địa.

Diện tích thanh long trồng ở Trung Quốc tăng mạnh trong khoảng 4 năm trở lại đây khiến trái thanh long Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này ngày càng khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với hàng nội địa.

“Chờ xét nghiệm Covid-19 xong, doanh nghiệp đổ bỏ thanh long”

Chưa có năm nào, trái thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lại lận đận như năm nay.  Tháng 8 vừa qua, chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long tại một số cửa khẩu tại Lào Cai, Hà Giang khiến một lớn hàng dồn về Lạng Sơn gây nên tình trạng ùn ứ nhiều ngày.
Ngày 16.9, đến lượt chính quyền TP.Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long qua các điểm xuất hàng ở TP.Móng Cái (Quảng Ninh). Trong 2 lần thông báo tạm ngừng nhập khẩu thanh long, Trung Quốc đều có chung lý do: một số lô hàng thanh long từ Việt Nam có virus SARS-CoV-2 trên bao bì.
Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ NN-PTNT ngày 17.9 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, phản ánh giá thanh long của địa phương chịu tác động rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Khi Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu thì lập tức giá bán đi xuống.
Ông Truyền kiến nghị, Bộ NN-PTNT phối hợp với cơ quan chức năng có trao đổi với phía Trung Quốc để làm rõ thông tin virus SARS-CoV-2 có bám dính trên bao bì đóng gói thanh long thực hư ra sao để tháo gỡ tiêu thụ. “Khi Trung Quốc thông báo thế, địa phương cũng chủ động kiểm soát, làm các xét nghiệm nhưng làm hoài, làm miết mà chưa phát hiện mẫu nào có virus SARS-CoV-2”, ông Truyền nói.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long nổi tiếng ở Bình Thuận phản ánh với Thanh Niên, từ tháng 7, hàng đi đường bộ gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp này chuyển hướng xuất khẩu đường biển, đưa thanh long đến Bắc Kinh, Thượng Hải và Hồng Kông. Dù mỗi lô hàng được xuất đi, doanh nghiệ  làm đầy đủ xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu của Trung Quốc. Nhưng khi sang đến cảng của Trung Quốc, họ vẫn yêu cầu chỉ định xét nghiệm ngẫu nhiên một container bất kỳ.
“Nhưng họ có làm xét nghiệm ngay cho đâu, mà phải chờ 20 ngày sau mới mở container lấy mẫu xét nghiệm. Phía Trung Quốc giải thích vì nhiều hàng quá phải xét nghiệm lần lượt. Đến khi có kết quả thì lô hàng đã quá 20 ngày rồi thì quả xuống mã, thối hỏng hết rồi bán sao được nữa”, vị giám đốc này nói.
Thống kê từ tháng 7 đến nay, doanh nghiệp này có 3 container bị chỉ định xét nghiệm ngẫu nhiên. Mỗi container thanh long bị đổ đi, doanh nghiệp chịu thiệt hại khoảng 20.000 USD, chưa bao gồm chi phí thuê xe kéo, thuê người bên Trung Quốc tìm nơi đổ bỏ thanh long.

“Đụng” hàng thanh long Trung Quốc

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết thanh long nằm trong nhóm trái cây giá trị xuất khẩu cả tỉ đô la mỗi năm và đang là loại trái cây chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, giống với sầu riêng của Thái Lan.
Nhưng trái ngược sự ổn định, thuận lợi của sầu riêng Thái Lan (Trung Quốc không trồng được cây này) thì quả thanh long Việt Nam lại “đụng” với thanh long Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc chỉ có trên 10.000 ha trồng thanh long thì nay đã tăng lên 40.000 - 50.000 ha và với trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại hơn thì chắc chắn chất lượng thanh long không thua kém hàng Việt Nam.
Một yếu tố nữa là mùa vụ thanh long của Việt Nam trùng với thanh long của Trung Quốc, từ tháng 5 - 12 hàng năm. Quan sát một số năm gần đây, Việt Nam chỉ có lợi thế xuất khẩu đối với thanh long trái vụ, còn khi Trung Quốc vào vụ thu hoạch thanh long thì xuất khẩu loại trái cây này từ Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay.
Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, nhiều doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi, trước đây thanh long đưa từ cửa khẩu Việt Nam sang đến Quảng Tây chỉ cần mất 2 - 3 ngày là hàng đã tỏa ra các chợ, đến siêu thị nhưng bây giờ thời gian "đội" lên đến 10 ngày.  Trái thanh long đã bị chậm đưa ra tiêu thụ chưa kể càng để dài ngày càng bị suy giảm chất lượng, mẫu mã.
“Dù Trung Quốc có thông báo một số lô hàng phát hiện virus SARS-CoV-2 phải tạm dừng nhập khẩu ở một số cửa khẩu, trong một thời điểm nhất định nhưng nguyên nhân sâu xa hơn và cũng không loại trừ đây là hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ hàng nội địa, tiêu thụ thanh long cho nông dân Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho rằng, ngoài tìm cách mở các thị trường mới cho trái cây này, đã đến lúc Bộ NN-PTNT và các địa phương phải tính toán và cơ cấu lại diện tích trồng thanh long để tránh đụng độ hoặc phải cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa của nước bạn. Dự báo những năm tới đây, Trung Quốc có nguồn cung trong nước đủ lớn và thanh long Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.