Vì sao Trung Quốc chuyển 300.000 binh sĩ sang vị trí tiền tuyến?

Văn Khoa
Văn Khoa
30/11/2021 19:30 GMT+7

Một nguồn tin gần đây tiết lộ quân đội Trung Quốc đã chuyển 300.000 binh sĩ từ các đơn vị phi tác chiến sang các vị trí tiền tuyến và tăng thêm quân cho một số đơn vị.

Trung Quốc được cho là có đội quân thường trực lớn nhất thế giới

AFP

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 29.11 đưa tin trong một cuốn sách về các bình luận được Nhà xuất bản Nhân dân ở Bắc Kinh xuất bản hồi giữa tháng 11, nhà bình luận quân sự Chung Tân cho rằng trong lúc cắt giảm 300.000 vị trí, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã “tối ưu hóa” cơ cấu nhân sự bằng cách triển khai thêm binh sĩ đảm nhiệm vai trò tác chiến.

Mục tiêu của ông Tập Cận Bình

Cuốn sách nói trên tập trung vào những cải cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thập niên qua và trong đó, ông Chung cho rằng PLA hiện có khoảng 2 triệu quân nhân, giảm từ con số đạt đỉnh lên tới 6 triệu trong thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Khi ông Tập, cũng là chủ tịch Quân ủy trung ương, đưa ra kế hoạch hiện đại hóa quân đội vào năm 2015, số quân nhân đó đã giảm xuống còn 2,3 triệu người theo sau hàng loạt thay đổi.

Tuy nhiên, ông Chung cho rằng PLA còn nhiều công việc phải làm nếu không những tham vọng của lực lượng này sẽ không trở thành hiện thực.

“Hệ thống chỉ huy của quân đội không có tính hệ thống, cơ cấu của lục quân chưa tốt và hệ thống chính sách tụt hậu, làm hạn chế nghiêm trọng các chiến dịch phòng thủ của PLA. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, các kế hoạch xây dựng nền quân đội đẳng cấp thế giới chỉ là lời nói suông”, ông Chung viết.

Mục tiêu của ông Tập là biến PLA thành lực lượng chiến đấu hiện đại vào năm 2027 và một quân đội đẳng cấp thế giới, ngang hàng với quân đội Mỹ vào năm 2050, theo SCMP.

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi tháng 10.2021

Chụp mÀn HÌnh ChinaMil.COm.CN

Ông Chung không đề cập số quân nhân tác chiến, nhưng một nguồn tin quân sự tiết lộ PLA đã chuyển 300.000 binh sĩ từ các đơn vị phi tác chiến sang các vị trí tiền tuyến và những đơn vị có thêm nhân sự thuộc không quân, lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược, theo SCMP.

Nguồn tin cho biết thêm số phi công cũng tăng lên để lái chiến đấu cơ thế hệ mới như J-20, J-16 và J-16C. Trước đó, SCMP cũng đã đưa tin PLA có kế hoạch mở rộng lực lượng lính thủy đánh bộ thuộc hải quân từ 20.000 lên 100.000 người, gia tăng số lữ đoàn từ 2 lên 10.

“Mối đe dọa về chiến tranh”

Cũng trong cuốn sách mới nói trên, nhà bình luận quân sự khác, Lưu Nghiễm Thông, cho rằng những nguy cơ đối với an ninh của Trung Quốc đang gia tăng, khi nước này chịu áp lực ngày càng lớn về chính trị, kinh tế và công nghệ từ một số nước khác.

“Chúng ta đang đối mặt mối đe dọa về chiến tranh.. quân đội cần nhận thấy một cuộc chiến tranh có thể xảy ra một cách bất ngờ… Chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng tác chiến mọi lúc”, ông Lưu viết.

Tương tự, chuyên gia quân sự Châu Thần Minh ở Bắc Kinh cho rằng PLA chịu áp lực ngày càng lớn ở trong và ngoài nước vì các thách thức đến từ nhiều hướng. “PLA từng là một quân đội dựa vào lực lượng trên bộ truyền thống, nhưng các lợi ích của đất nước ở nước ngoài đang được mở rộng, với nhiều mối đe dọa an ninh đến từ biển, trên không và thậm chí thế giới mạng”, ông Châu bình luận, cho rằng những thay đổi đối với các đơn vị tác chiến của PLA vẫn đang diễn ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: yêu sách Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở

Trong khi đó, Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự và có hành động gây quan ngại ở Biển Đông. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. ngày 18.11 cáo buộc một số tàu hải cảnh Trung Quốc đã “ngăn chặn và phun vòi rồng” vào hai tàu Philippines trong lúc những tàu này thực hiện sứ mệnh tiếp tế cho binh sĩ đóng trú trên tàu hải quân BRP Sierra Madre bị mắc cạn tại bãi Cỏ Mây vào ngày 16.11, theo Philippine Daily Inquirer. Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Philippines kiểm soát trái phép.

Ngoài ra, Trung Quốc thường cho máy bay quân sự bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Gần đây nhất là vào ngày 28.11, Trung Quốc cho 27 máy bay quân sự bay vào ADIZ của Đài Loan. Đến ngày 29.11, Trưởng Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính khẳng định Trung Quốc lặp lại hành động quân sự này nhằm bào mòn sức lực của lực lượng phòng vệ Đài Loan, nhưng Đài Bắc có năng lực ứng phó, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.