Vì sao tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela và Guyana bỗng leo thang căng thẳng?

07/12/2023 11:52 GMT+7

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Venezuela và Guyana vì tranh chấp lãnh thổ kéo dài đã gia tăng trong những tuần gần đây.

Theo Reuters, tranh chấp giữa VenezuelaGuyana liên quan đến vùng đất mang tên "Esequibo" (cách viết khác là "Essequibo" hoặc "Esequiba") rộng khoảng 160.000 km2, nằm ở phía tây sông Esequibo với phần lớn diện tích là rừng rậm, cũng như vùng biển lân cận nơi đã có những phát hiện lớn về dầu khí.

Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực có dân cư thưa thớt này, dù Guyana đang nắm quyền kiểm soát và quản lý trên thực tế tại đây. Biên giới giữa hai nước liên quan đến lãnh thổ này từng được xác định theo một phán quyết trọng tài năm 1899 khi Guyana vẫn thuộc Đế quốc Anh.

Điều gì đã gây ra căng thẳng?

Venezuela đã tái tuyên bố yêu sách của mình đối với lãnh thổ Esequibo trong những năm gần đây, sau vụ phát hiện các mỏ dầu và khí đốt có thể khai thác được, với trữ lượng ước tính 11 tỉ thùng, ở ngoài khơi bờ biển Guyana.

Vì sao tranh chấp lãnh thổ lâu năm giữa Venezuela và Guyana bỗng hóa căng thẳng? - Ảnh 1.

Minh họa tranh chấp lãnh thổ giữa Venezuela và Guyana: Vùng màu nâu là khu vực Esequibo (hay Essequibo, Esequiba), vùng màu đỏ là khu vực phát hiện dầu khí (Lô Stabroek). Venezuela được cho là đang có yêu sách lãnh thổ đối với vùng biển nằm trong đường chấm bi màu đỏ, trong khi Guyana tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế nằm trong đường nối liền màu xanh dương.

FINANCIAL TIMES

Trong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần qua ở Venezuela, chính quyền Caracas đã giành được sự ủng hộ để thành lập một bang mới tại lãnh thổ tranh chấp và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cam kết thăm dò dầu khí tại khu vực. Các cử tri Venezuela cũng bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đối với tranh chấp.

Song các nhà phân tích và các nguồn tin ở Caracas cho biết Venezuela sẽ không tiến hành hoạt động quân sự để giành quyền kiểm soát Esequibo. Họ cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là nỗ lực của ông Maduro nhằm thể hiện sức mạnh và đánh giá sự ủng hộ của công chúng dành cho chính phủ của ông trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Tại sao lãnh thổ này quan trọng?

Mặc dù khu vực trên bờ của Esequibo phần lớn là rừng rậm, nhưng đã có những phát hiện lớn về dầu thô và khí đốt ngoài khơi gần đó trong những năm gần đây, đưa Guyana lên bản đồ thế giới các nhà sản xuất dầu.

Một liên doanh giữa tập đoàn ExxonMobil, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và tập đoàn Hess đã bắt đầu khai thác dầu mỏ ở Guyana vào năm 2019.

Vì sao tranh chấp lãnh thổ lâu năm giữa Venezuela và Guyana bỗng hóa căng thẳng? - Ảnh 2.

Trụ sở ExxonMobil tại Georgetown, Guyana

REUTERS

Sản lượng hiện ở mức khoảng 400.000 thùng dầu và khí đốt một ngày và dự kiến sẽ tăng lên hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Việc này đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Guyana và hứa hẹn nguồn thu khổng lồ cho đất nước trong những năm tới.

Mặc dù Venezuela có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và cũng có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, sản lượng của nước này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây do lệnh trừng phạt của Mỹ, tình trạng tham nhũng và sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng.

Hôm 5.12, ông Maduro cho biết ông sẽ cho phép thăm dò dầu khí ở Esequibo. Công ty dầu mỏ PDVSA và công sản xuất sắt thép CVG đều thuộc sở hữu nhà nước sẽ tiến hành phân chia tại khu vực tranh chấp. Văn phòng Tổng thống Venezuela cho biết họ sẽ không nhượng bộ Guyana ở các vùng biển "sắp được phân định ranh giới".

Hiện chưa hoàn toàn rõ ràng Caracas tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực ngoài khơi nào, nhưng ông Maduro thông báo tất cả các công ty đang hoạt động ngoài khơi Guyana có 3 tháng để rời đi. Exxon cho biết tranh chấp biên giới sẽ do các quốc gia và các cơ quan quốc tế liên quan giải quyết.

ICJ đã nói gì?

Guyana đã yêu cầu ICJ ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý ở Venezuela.

Tòa án không đi xa đến thế trong phán quyết tuần trước, nhưng tòa yêu cầu Venezuela không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể thay đổi nguyên trạng.

Ông Maduro đã nhiều lần tuyên bố rằng kết quả trưng cầu dân ý mang tính ràng buộc, mặc dù trước đây chính phủ của ông nói cuộc bỏ phiếu này "mang tính tham vấn".

Vì sao tranh chấp lãnh thổ lâu năm giữa Venezuela và Guyana bỗng hóa căng thẳng? - Ảnh 3.

Ông Maduro phát biểu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Venezuela hôm 3.12

REUTERS

Guyana phản ứng ra sao?

Tổng thống Guyana Irfaan Ali hôm 5.12 cho biết nước này sẽ báo cáo những phát biểu của ông Maduro về kế hoạch khai thác dầu mỏ cho Liên Hiệp Quốc và ICJ, đồng thời tiết lộ ông đã nói chuyện với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Ông Ali cũng cho hay các lực lượng vũ trang của Guyana đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, và nói Venezuela đã tuyên bố họ là "quốc gia ngoài vòng pháp luật", ngang nhiên coi thường phán quyết của ICJ.

Nhà lãnh đạo cũng tìm cách trấn an các nhà đầu tư tiềm năng, cho biết Guyana đã được các đối tác và cộng đồng quốc tế đảm bảo hỗ trợ.

Ngoại trưởng Venezuela hôm 6.12 cho hay ông đã nói chuyện với người đồng cấp Guyana về chuyện mà ông gọi là "thẩm quyền không ai thể có thể chối bỏ" của Venezuela.

Chính phủ Guyana đã đặt câu hỏi về số liệu do chính phủ Venezuela cung cấp về cuộc trưng cầu dân ý. Giới chức bầu cử ở Venezuela hôm 3.12 công bố tổng số phiếu thu được là 10,5 triệu, nhưng sau đó cho biết đây là tổng số cử tri.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.