Vì sao TP.HCM dư biên chế kéo dài?

06/10/2022 06:35 GMT+7

UBND TP.HCM có giải trình khá rõ vấn đề được Bộ Nội vụ quan tâm đó là hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức 'dôi dư' vì 3 lý do chính.

Ngày 5.10, UBND TP.HCM báo cáo Bộ Nội vụ tình hình thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 năm 2017 của T.Ư Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp của các cơ quan trực thuộc. Trong báo cáo, UBND TP.HCM giải trình khá rõ vấn đề được Bộ Nội vụ quan tâm đó là hơn 5.700 biên chế công chức, viên chức “dôi dư” vì 3 lý do chính.

Về yếu tố lịch sử, đối với khối hành chính, giai đoạn 2003 - 2013, TP.HCM tăng 2.811 biên chế công chức do chia tách 2 quận (Q.Bình Tân từ H.Bình Chánh, Q.Tân Phú tách ra từ Q.Tân Bình) và thành lập mới 7 tổ chức: Ban Quản lý (BQL) khu đô thị Tây Bắc, BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao, Thanh tra Sở Giao thông - Công chính (nay là Sở GTVT), Phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện, Thanh tra xây dựng cấp huyện, BQL công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Ban Dân tộc…

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của Q.Phú Nhuận, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Giai đoạn 2013 - 2015, TP.HCM tăng thêm 1.045 biên chế công chức do sắp xếp các cơ quan, đơn vị và thành lập Sở Du lịch. Như vậy, từ năm 2003 - 2014, TP.HCM tăng 3.856 biên chế công chức. Từ năm 2017 đến nay, hằng năm khi xây dựng biên chế công chức, TP.HCM đều báo cáo tình hình sử dụng số lượng biên chế công chức, số người làm việc thực tế, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công nhận.

Về tính chất đặc thù, UBND TP.HCM có 10 cơ quan hành chính mà các tỉnh, thành trên cả nước không có, như Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, BQL đổi mới doanh nghiệp, BQL an toàn thực phẩm, Văn phòng Ban An toàn giao thông… Các cơ quan này đang hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt công tác tham mưu, thể hiện được tính cần thiết tồn tại.

Về khối lượng công việc thực tế, UBND TP.HCM đưa ra con số thống kê sơ bộ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại một số sở ngành giai đoạn 2017 - 2021, bình quân một công chức thực hiện từ 580 hồ sơ/năm và tăng bình quân 15%/năm. Còn công chức cấp xã giải quyết bình quân 2.550 hồ sơ/năm. Kết quả khảo sát 608 cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách ở 48 phường trên 50.000 dân cho thấy gần 64% công chức phải làm ngoài giờ mới hoàn thành công việc.

Đối với khối đơn vị sự nghiệp, số lượng người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, học sinh đến trường cũng tăng hằng năm nên cần phải mở rộng cơ sở vật chất, xây dựng thêm trường lớp, bệnh viện mới đủ đáp ứng.

Liên quan việc tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021, riêng khối chính quyền tại TP.HCM đã giảm gần 1.300 trường hợp; trong đó có 154 cán bộ, công chức, 734 viên chức và 410 lao động hợp đồng. UBND TP.HCM nhìn nhận tỷ lệ tinh giản biên chế còn chưa cao do số biên chế hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế, khó giảm thêm.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị cấp có thẩm quyền ghi nhận số lượng biên chế đang làm việc thực tế, đồng thời TP.HCM sẽ xây dựng lộ trình tinh giản theo số lượng này. Về tổ chức bộ máy, TP kiến nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về sắp xếp lại, tái cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM thành lập, sắp xếp lại, giải thể cơ quan trực thuộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.