Vì sao TP.HCM chỉ có một Văn phòng giám định tư pháp?

Ngân Nga
Ngân Nga
15/12/2023 17:09 GMT+7

Quy định chỉ cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa nên TP.HCM chỉ có 1 văn phòng.

Nghỉ hưu, nghỉ việc thì bị miễn nhiệm

Ngày 15.12, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác giám định tư pháp trên địa bàn TP.HCM.

Theo báo cáo tổng kết thi hành luật Giám định tư pháp của UBND TP.HCM, hiện, TP.HCM có 3 tổ chức giám định tư pháp, gồm: Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an TP.HCM và Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn (hoạt động trong lĩnh vực tài chính). Ngoài ra, TP.HCM còn có 6 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc về chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, giám định xe cơ giới và trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Từ năm 2018 đến nay, mặc dù UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành vận động, khuyến khích các giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc đủ điều kiện tham gia thành lập Văn phòng giám định tư pháp, nhưng vẫn chưa có thêm văn phòng nào được thành lập.

Cũng theo UBND TP.HCM, phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp còn hẹp. Điều 14 luật Giám định tư pháp, quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

Tuy nhiên, điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp còn bất cập, không cho phép giám định viên tư pháp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thành lập văn phòng.

Vì sao TP.HCM chỉ có duy nhất một Văn phòng giám định tư pháp? - Ảnh 1.

Theo UBND TP.HCM, phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp còn hẹp

STP

Trong đó, luật lại quy định giám định viên tư pháp nghỉ hưu, nghỉ việc thì thuộc trường hợp miễn nhiệm. Các giám định viên này có nhu cầu thành lập Văn phòng giám định tư pháp phải thực hiện thủ tục bổ nhiệm lại giám định viên. Ở lĩnh vực được phép thành lập văn phòng, nhưng lại không có cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, thẩm định hồ sơ thành lập trình UBND cấp tỉnh quyết định (ví dụ như lĩnh vực ngân hàng...).

UBND TP.HCM cho rằng, quy định trên sẽ không có cơ chế thu hút họ tiếp tục tham gia giám định, mặc dù điều kiện giám định tốt hơn khi còn công tác trong cơ quan, tổ chức.

Từ đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền, theo hướng không miễn nhiệm giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, nghỉ việc nhưng còn đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục thực hiện công tác giám định tư pháp. Đồng thời, cần bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giám định của các cơ quan chuyên môn đối với các vụ việc yêu cầu giám định gồm nhiều lĩnh vực như thuế, tài chính, xây dựng.

Giám định giúp cơ quan tố tụng làm sáng tỏ vụ án

Còn theo TS Phùng Văn Hải, Phó chánh án TAND TP.HCM, giám định tư pháp có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng chứng minh, đây là một nguồn chứng cứ khoa học, giúp cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

"Thực tiễn khi xét xử các vụ án, đặc biệt là các vụ án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai thì vẫn xảy ra việc bất đồng ý kiến về kết luật giám định", ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, tham gia tố tụng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người giám định. Mục đích việc tham dự phiên tòa của người giám định thường để thực hiện các việc: trình bày kết luận giám định; giải thích thêm về một số nội dung trong kết luận giám định; trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên...

Theo bà Nguyễn Thị Thụy, Trưởng phòng Thanh tra Bổ trợ tư pháp và Quản lý giám định tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp), tại khoản 1 điều 2 luật Giám định tư pháp thì: "Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định...".

Bà Thụy lưu ý, việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định cần tuân thủ nguyên tắc bảo mật, lập biên bản tiếp nhận trưng cầu giám định chi tiết, chính xác theo đúng quy trình, nghiệp vụ. Trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định vượt quá phạm vi, khả năng chuyên môn, đối tượng giám định, các tài liệu có liên quan không được cung cấp đầy đủ… thì người giám định cần yêu cầu bổ sung. Nếu cơ quan có thẩm quyền không bổ sung, hoặc không đầy đủ, hoặc thời gian không đủ để giám định, thì người giám định từ chối thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.