Vì sao TP.HCM không có Trung tâm hành chính công?

08/02/2022 17:46 GMT+7

Việc tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM là rất khó khăn, chưa đủ điều kiện về hạ tầng và giải quyết vấn đề giao thông để đáp ứng một lượng lớn khách liên hệ, giải quyết thủ tục hành chính.

Lý do không thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp thành phố được UBND TP.HCM nêu trong báo cáo hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1291 ngày 7.10.2019 của Thủ tướng về Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, UBND TP.HCM cho rằng việc tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố là rất khó khăn, chưa đủ điều kiện về hạ tầng và giải quyết vấn đề giao thông để đáp ứng một lượng lớn khách liên hệ, giải quyết thủ tục hành chính.

Khó khăn chủ yếu là về điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô mặt bằng xây dựng, điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, hạ tầng phục vụ. Chưa kể, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết hàng năm của thành phố rất lớn.

Trụ sở UBND TP.HCM

ngọc dương

Một lý do khác được nêu ra là trong những năm qua, TP.HCM đã có nhiều giải pháp tích cực trong cải cách hành chính và đạt hiệu quả nhất định. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xem xét không thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố.

Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức theo mô hình tập trung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, trên cơ sở quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trung tâm hành chính công cấp tỉnh đầu tiên được Thủ tướng cho phép thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh trong 3 năm, sau đó mở rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước như: Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn…

Về công tác tổ chức tiếp nhận hồ sơ ngành dọc, TP.HCM đã hướng dẫn 12 thủ tục hành chính trong lĩnh vực chính sách, bảo hiểm xã hội, dân quân tự vệ, nghĩa vụ quân sự và động viên quân đội thuộc thẩm quyền của Bộ Tư lệnh TP.HCM đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp xã.

Đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực công an, bảo hiểm xã hội, hiện TP.HCM đang chuẩn bị triển khai tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện đối với một số quận, huyện đáp ứng điều kiện về diện tích, trang thiết bị để tiếp nhận các thủ tục thuộc 2 lĩnh vực này.

Diện tích chật, khó tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước công dân

TP.HCM đánh giá việc đưa ra tiếp nhận một số thủ tục hành chính ngành dọc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Dù vậy, những năm qua, số lượng thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện ngày càng tăng, trong khi biên chế không tăng nên nhiều đơn vị quá tải.

Số lượng hồ sơ hành chính cần giải quyết ở TP.HCM gia tăng qua mỗi năm

song mai

Nhiều quận, huyện có khu vực tiếp nhận và trả kết quả có diện tích chật, không đáp ứng điều kiện để mở rộng về tiếp nhận thêm lĩnh vực hồ sơ thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực cấp căn cước công dân. Một số đơn vị phải sửa chữa, cải tạo lại mặt bằng để đáp ứng diện tích, phục vụ cho yêu cầu cấp căn cước công dân. Vì vậy, công tác triển khai tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện tại TP.HCM còn chậm so với yêu cầu, chỉ đạo tại Quyết định số 1291 của Thủ tướng.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xem xét cơ chế, giải pháp đặc thù trong mở rộng triển khai tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính ngành dọc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với những địa phương có diện tích trụ sở, diện tích khu vực tiếp nhận và trả kết quả còn chật chội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.