Vì sao Tổng thống Biden đổi ý, gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine?

22/10/2023 12:51 GMT+7

Ukraine mới đây xác nhận đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công hai sân bay và phá hủy nhiều khí tài quân sự của Nga.

Tên lửa tầm xa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) là một trong những loại vũ khí mà Ukraine cần nhất từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước này vào tháng 2.2022. Tên lửa có thể giúp Ukraine tấn công các căn cứ không quân và lực lượng Nga ở cách xa tiền tuyến nhờ tầm bắn khoảng 300 km.

Vì sao Tổng thống Biden đổi ý, gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine? - Ảnh 1.

Tên lửa ATACMS được phóng trong cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hồi năm 2017

AFP

Tuy nhiên trong suốt 18 tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cương quyết từ chối cung cấp vũ khí này cho Ukraine, công khai lẫn riêng tư. Nhà lãnh đạo lo ngại việc chuyển giao có thể vượt quá lằn ranh đỏ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra, dẫn đến khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tuy nhiên, những bằng chứng về các vụ nổ tại hai căn cứ không quân do Nga quản lý tại miền đông và miền nam Ukraine hôm 17.10 cho thấy Tổng thống Biden đã đổi ý. Theo tờ The New York Times, tên lửa ATACMS có thể đã được sử dụng trong các cuộc tấn công này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày xác nhận tên lửa ATACMS đã được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc xung đột.

Vì sao Tổng thống Biden đổi ý, gửi tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine? - Ảnh 2.

Ảnh vệ tinh chụp sân bay Berdiansk ngày 17.10, được cho là ghi lại hiện trường sau cuộc tấn công bằng ATACMS của Ukraine

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE DRIVE

Sức ép từ nhiều phía

Theo tiết lộ của The New York Times, Tổng thống Biden đã chịu nhiều sức ép trong việc cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine, trong đó một phần đến từ giới nghị sĩ quốc hội Mỹ.

Một trong số đó là hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jason Crow, cựu binh lục quân từng viết thư cho Nhà Trắng để nhấn mạnh rằng Ukraine cần vũ khí tấn công sâu vào tuyến tiếp tế và các trung tâm chỉ huy-kiểm soát của Nga. Ông Crow nói rằng các hệ thống đã được chuyển cho Ukraine trước đó đã tạo hiệu ứng hủy diệt nhưng Nga đã biết cách đối phó khi đưa các khí tài quan trọng ra ngoài tầm bắn.

Quân đội Nga thích ứng ra sao sau gần 20 tháng xung đột?

Sức ép thứ hai đến từ Tổng thống Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Lithuania hồi tháng 7. Khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Tổng thống Biden chưa quyết định về vấn đề ATACMS. "Tốt hơn là không nên nêu vấn đề này bởi có những kỳ vọng từ người dân, quân đội, tất cả mọi người. Tốt hơn là làm trước và sau đó mới chia sẻ thông tin về cách nó đã diễn ra", ông Zelensky nói.

Các quan chức Nhà Trắng cho hay đã thực hiện cuộc đánh giá nghiêm túc để đảm bảo vũ khí đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Các trợ lý của Tổng thống Biden nói rằng họ đã nhìn thấy trường hợp rõ ràng để sử dụng ATACMS từ tháng 7, đó là tấn công các tuyến tiếp tế và sân bay mà vũ khí Ukraine không thể bắn tới như ông Crow đã chỉ ra.

Tại một cuộc họp ngày 14.7, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và cấp phó Jon Finer cùng một nhóm quan chức thảo luận về các phương án. Cuộc họp diễn ra giữa lúc có sự mâu thuẫn giữa các quan chức trong chính quyền, trong đó Ngoại trưởng Antony Blinken nghiêng về phương án sớm cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thì ngược lại. Theo lãnh đạo Lầu Năm Góc, số lượng ATACMS của Mỹ là có hạn và việc cung cấp cho Ukraine sẽ khiến Washington và đồng minh gặp nguy cơ.

Mặt khác, ngân sách cũng là vấn đề lớn khi mỗi quả ATACMS có giá khoảng 1,5 triệu USD. Trong khi đó, Mỹ đã sử dụng gần hết hơn 40 tỉ USD mà quốc hội đã phân bổ để viện trợ Ukraine, giữa lúc ngày càng có nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối chi thêm.

Cần biết gì khi Nga hủy phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân?

Quyết định bí mật

Đến tháng 9, nhóm của ông Sullivan và Finer hoàn thành cuộc phân tích và đưa ra một đề xuất. Họ kết luận rằng nguy cơ leo thang không còn là vấn đề lớn khi Anh đã cung cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine từ tháng 6 và Nga phản ứng không quá mạnh.

Tại các cuộc họp, Bộ trưởng Austin cũng đồng ý bởi phiên bản được thảo luận sẽ cung cấp cho Ukraine có tầm bắn chỉ khoảng 160 km, được trang bị đạn chùm có thể gây thiệt hại trên quy mô rộng nhằm tối đa hóa thiệt hại cho các mục tiêu không được bảo vệ như máy bay. Mỹ đã gửi đạn chùm cho Ukraine từ tháng 7.

Đề xuất được các quan chức khác ủng hộ và Tổng thống Biden đồng ý. Trong cuộc gặp vào tháng 9 tại Washington D.C, Tổng thống Biden nói với Tổng thống Zelensky về quyết định gửi ATACMS nhưng cả hai đồng ý không công bố. Việc chuyển giao được giữ kín nhằm khiến Nga bất ngờ và không có thời gian di chuyển trực thăng đến nơi an toàn. Phía Ukraine tuyên bố đã phá hủy một số trực thăng của Nga sau các cuộc tấn công hôm 17.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.