Vì sao thí sinh có điểm thi càng cao thì điểm ưu tiên lại càng thấp?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/08/2023 16:11 GMT+7

Thay vì điểm thi cộng với điểm ưu tiên sẽ ra mức điểm cuối cùng để xét tuyển như những năm trước thì năm nay, điểm ưu tiên đã được tính khác để đảm bảo công bằng hơn nên dẫn đến trường hợp điểm thi càng cao thì điểm ưu tiên càng giảm.

Trước đây điểm ưu tiên khu vực (KV) trong tuyển sinh được tính như sau:  KV 1: 0,75 điểm; KV 2 NT: 0,5 điểm; KV 2: 0,25 điểm.

Điểm ưu tiên đối tượng quy định như sau: ƯT 1: 2 điểm; ƯT 2: 1 điểm.

Theo đó, điểm ưu tiên sẽ có nhiều nấc, tối đa là 2,75 điểm, tối thiểu là 0,25 (không xét đến KV3, là diện thí sinh không có điểm ưu tiên nào).

Năm 2023, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, công thức tính như sau:

Điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Vì sao thí sinh có điểm thi càng cao thì điểm ưu tiên lại càng thấp? - Ảnh 1.

Thí sinh đến tìm hiểu thông tin, làm thủ tục nhập học trong ngày 23.8 sau khi biết điểm chuẩn trúng tuyển

ĐÀO NGỌC THẠCH

Với công thức tính mới này, một thí sinh đạt 28 điểm sẽ có mức điểm ưu tiên thấp hơn thí sinh đạt 25 điểm.

Cụ thể, điểm ưu tiên của thí sinh 28 điểm ở KV 1 (0,75 điểm) là 0,2, trong khi điểm ưu tiên của thí sinh 25 điểm ở KV 1 lại là 0,5.

Tương tự, thí sinh 28 điểm thuộc đối tượng ƯT 1 (2 điểm) thì có điểm ưu tiên là 0,53 trong khi thí sinh 25 điểm thuộc đối tượng ƯT 1 thì điểm ưu tiên lại lên tới 1,33.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến 2 thủ khoa khối A00 toàn quốc lại trượt nguyện vọng 1 ngành khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo đó, công thức xét tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội là: điểm xét tuyển = (toán x 2 + môn 2 + môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên.

Một phần vì điểm toán của Nguyễn Mạnh Thắng, cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang và Nguyễn Mạnh Hùng, cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên), thấp hơn điểm toán của nhiều thí sinh khác (nhiều thí sinh khác được 10 toán), một phần vì tổng điểm 3 môn của Thắng và Hùng cao hơn nhiều thí sinh khác kéo theo điểm ưu tiên thấp xuống, nên tổng điểm xét tuyển đã không đạt 29,42 điểm của ngành khoa học máy tính trường này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, sở dĩ năm nay Bộ GD-ĐT tính điểm ưu tiên theo cách mới này, là vì nhiều năm qua tại những ngành "hot" ở những trường tốp đầu thường xảy ra hiện tượng thí sinh KV 3 dù có mức điểm thi rất cao, 28-29 nhưng vẫn trượt, trong khi thí sinh của các nhóm ưu tiên (KV và đối tượng) dù có điểm bằng hoặc thấp hơn nhưng lại trúng tuyển do được cộng mức điểm ưu tiên từ 0,25-2 điểm (tùy KV và đối tượng).

"Với cách tính này, điểm chuẩn các trường tốp đầu cũng không còn lên đến 29, 30 điểm nữa. Ngày nay sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các vùng miền cũng đã giảm nên điểm ưu tiên tính như vậy là hợp lý", tiến sĩ Nhân nhận định.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.