Vì sao thành công của Ukraine trên chiến trường có thể khiến ông Biden đau đầu?

11/10/2022 14:00 GMT+7

Liệu Mỹ nên giữ nguyên kế hoạch của mình ở Ukraine hay đưa ra những đối sách mới là vấn đề mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân nhắc và không dễ dàng đưa ra quyết định.

Thành công của Ukraine trên chiến trường những tuần gần đây đã dẫn đến một loạt vấn đề mà chính quyền Biden phải quyết định, xung quanh việc làm thế nào để hỗ trợ Kyiv tốt nhất khi xung đột với Nga biến chuyển, leo thang và chuẩn bị bước vào mùa đông khắc nghiệt, theo The Hill.

Nhà Trắng đã kiên định ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở nước láng giềng hồi cuối tháng 2, với hàng tỉ USD viện trợ quân sự. Song khi quân đội Ukraine thành công trong các chiến dịch phản công, quan chức chính quyền Mỹ một lần nữa phải đối mặt với những câu hỏi như có nên cung cấp vũ khí có tầm bắn xa hơn hay không, ứng xử với việc Ukraine quyết tâm gia nhập NATO như thế nào, và làm thế nào để thúc đẩy cuộc chiến đi đến hồi kết.

Những quyết định khó khăn

"Chúng tôi có một số chuyện thực sự khó khăn để đưa ra quyết định, liên quan đến những gì đang diễn ra ở Ukraine, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ. Nhưng lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp của việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trên thực tế, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra theo hướng hiện tại", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện gây quỹ gần đây.

Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ngày 10.10

reuters

Tình hình ở Ukraine đã thay đổi đáng kể trong vòng một tháng qua. Các lực lượng Ukraine đã có được những thắng lợi đáng kể khi giành lại được một số vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố động viên binh sĩ để hỗ trợ chiến dịch quân sự, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga bị tấn công và sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý bị phương Tây lên án là "giả hiệu".

Cuộc tập kích tên lửa mới từ Nga gây áp lực gì lên các đồng minh của Ukraine

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục kêu gọi đồng minh cung cấp các hệ thống vũ khí có tầm bắn xa hơn để chống lại Nga, còn Tổng thống Volodymyr Zelensky hối thúc các thành viên NATO kết nạp Ukraine vào liên minh để nước này có thể nhận được sự bảo vệ tốt hơn.

Mỗi một yếu tố trong số đó đều thúc đẩy chính quyền Biden đi đến các quyết định mới, trong bối cảnh Washington ngay từ đầu đã tuyên bố rõ ràng rằng Nga phải bị đánh bại để tránh leo thang chiến tranh ở châu Âu, theo The Hill.

Ông David Kramer, cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu thời Tổng thống George W. Bush, cho biết: "Tôi sẽ không nói là mọi chuyện vẫn bình thường vì bất cứ lúc nào ông Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đó không phải là chuyện bình thường".

"Ukraine đang tiến công và chúng ta nên xem việc Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này là lợi ích của mình", ông Kramer, thành viên ban cố vấn của Vandenberg Coalition, nói với The Hill.

Đối với vấn đề Ukraine xin gia nhập NATO, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng lúc này không phải là thời điểm thích hợp để kết nạp Ukraine. Nếu Ukraine trở thành thành viên NATO lúc này, Điều 5 quy định về phòng vệ tập thể trong hiến chương liên minh sẽ được kích hoạt.

Vấn đề sáp nhập lãnh thổ cũng tạo ra những tình huống khó xử tiềm tàng cho chính quyền Biden. Ông Putin hiện coi các tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine là lãnh thổ Nga và chủ nhân Điện Kremlin đã cảnh báo rằng ông có thể leo thang xung đột bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu lãnh thổ Nga bị tấn công.

"Washington sẽ nói 'Chúng tôi không công nhận đó là lãnh thổ của Nga'. Nhưng đối với ông Putin và nhiều người Nga… tất cả những nơi này hiện được coi giống hệt như St. Petersburg và Moscow", ông Brett Bruen, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, bình luận trên The Hill.

"Vì vậy, tôi nghĩ là Mỹ sẽ xem xét lại quan điểm rằng vũ khí của chúng ta không nên được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga vì việc đó có thể khiêu khích Nga", ông Bruen nói thêm.

Mỹ sẽ không thay đổi?

Ông Bruen lưu ý Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với những câu hỏi về việc Mỹ có thể làm gì để giúp chấm dứt xung đột.

Các quan chức Mỹ vốn kiên định với lập trường rằng Nga có thể kết thúc xung đột bất cứ lúc nào họ muốn bằng cách rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Song bản thân ông Biden hôm 6.10 cũng thừa nhận lời lẽ cứng rắn của ông Putin đã làm phức tạp vấn đề.

Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp ngày 10.10

reuters

"Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem: Lối thoát của ông Putin là gì? Ông ấy sẽ xuống xe ở đâu? Ông ấy tìm thấy ngã rẽ ở đâu? Ông ấy sẽ làm sao để mình không chỉ không mất thể diện mà còn giữ được quyền lực đáng kể tại Nga?", ông Biden nói tại sự kiện gây quỹ ở New York.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng có rất ít lý do để chính quyền Biden đi chệch khỏi kế hoạch của mình.

Ông Mark Cancian, cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC, cho biết: "Tôi không nghĩ những chuyện đó thực sự làm phức tạp tính toán của họ, bởi vì căn bản họ đã luôn muốn Ukraine chiến thắng".

Tổng thống Biden hứa chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine sau khi Nga bắn tên lửa vào Kyiv

Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 17,5 tỉ USD cho Ukraine từ khi ông Biden lên nắm quyền, bao gồm 16,8 tỉ USD tính từ ngày 24.2 khi Nga bắt đầu đưa quân sang Ukraine. Quốc hội Mỹ đã dành riêng ra khoảng 12 tỉ USD cho các khoản viện trợ kinh tế và quân sự bổ sung vào tháng trước, nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine ít nhất cho đến hết quý đầu tiên của tài khóa 2023.

Ông Biden đã nhất quán trong một số vấn đề, đáng chú ý nhất là ông sẽ không điều động binh sĩ Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine. Ông cũng nhất quán về việc không tấn công lãnh thổ Nga và đảm bảo không đưa ra quyết định nào về Ukraine mà không tham khảo ý kiến của giới lãnh đạo nước này.

"Vì vậy, với mục tiêu, với các thực tế như trên, chính quyền Biden sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm", ông Cancian nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.