Vì sao tại Mộc Châu xảy ra 16 trận động đất trong 2 ngày ?

31/07/2020 06:20 GMT+7

16 trận động đất liên tục xảy ra trong 2 ngày 27 - 28.7 tại H.Mộc Châu (Sơn La), trong đó trận mạnh nhất có cường độ 5,3 độ Richter gây nhiều thiệt hại.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 30.7 khi vừa có chuyến thị sát kiểm tra hiện trường động đất tại H.Mộc Châu, ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT), cho biết các công trình hồ, đập trên địa bàn chịu ảnh hưởng của các trận động đất xảy ra trong 2 ngày 27 - 28.7 vẫn an toàn, nhưng các trụ sở và nhà dân thì bị thiệt hại khá nghiêm trọng.
Cụ thể, tại xã Nà Mường (H.Mộc Châu), trụ sở UBND xã và bưu điện bị nứt ngang, nguy cơ đổ sập, buộc phải phá vỡ. Nhiều nhà dân cũng bị hư hỏng nặng, lún nứt khắp nơi. Ông Nhật cho rằng động đất với 5,3 độ Richter là cường độ lớn nhất xảy ra ở khu vực này trong hàng chục năm nay. Người dân hoang mang nhưng lại thiếu kỹ năng phòng tránh.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, địa bàn H.Mộc Châu nằm trên đới đứt gãy sông Đà hiện có hoạt động địa chất tương đối phức tạp, gây ra động đất mạnh nhất từ đầu năm với cường độ 5,3 độ richter trưa 27.7 và “kích hoạt” thêm 15 trận động đất sau đó có tâm chấn nằm ở nhiều vị trí khác nhau tại H.Mộc Châu. Dự báo H.Mộc Châu sẽ còn xảy ra động đất với cường độ lớn đến 5,5 độ Richter.
Theo Viện Vật lý địa cầu, thời gian qua các tỉnh vùng núi phía bắc ghi nhận nhiều trận động đất. Trong đó, ngày 16.6, động đất xảy ra tại H.Mường Tè (Lai Châu) có cường độ 4,9 độ Richter. Ngày 25.11.2019, động đất xảy ra tại H.Trùng Khánh (Cao Bằng) với cường độ 5,4 độ Richter. Trong lịch sử, năm 1935, tỉnh Điện Biên có động đất 6,8 độ Richter; động đất xảy ra trong năm 1983 tại Tuần Giáo (Điện Biên) có cường độ 6,7 độ Richter. Qua các dữ liệu thu thập, Viện Vật lý địa cầu nhận định Tây Bắc là khu vực có tính động đất cao và đang có hoạt động động đất mạnh. Ngoài Mộc Châu (Sơn La), dự báo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu... cũng có thể phải chịu đựng những trận động đất mạnh.

Động đất liên tiếp ở Sơn La, hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại

Cũng theo ông Lê Minh Nhật, ở các nước trên thế giới, điển hình là Nhật Bản - nước liên tục có động đất - đều chú trọng giáo dục người dân kỹ năng ứng phó cần thiết khi có tình huống xảy ra, chứ không có giải pháp công trình hay phi công trình nào ứng phó tuyệt đối được với động đất. Ông Nhật cũng hướng dẫn, khi có động đất, nếu ở trong nhà thì người dân nên chui xuống gầm giường, gầm bàn... để tránh các đồ vật rơi vỡ từ trên cao.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.