Vì sao số ca F0 tăng cao?

29/11/2021 05:55 GMT+7

Từ đầu tháng 11 tới nay, số ca mắc mới trên cả nước đang có dấu hiệu leo thang và thậm chí cao hơn cả trước đây.

Cụ thể, ngày 1.11 cả nước ghi nhận 5.595 ca mắc mới, thì tới chiều 28.11, số ca mắc mới là 12.928 ca trong nước tại 57 tỉnh, thành; riêng TP.HCM có 1.454 ca.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Theo thông tin cập nhật trên Cổng tiêm chủng quốc gia, tính đến ngày 11.10, cả nước đã tiêm 54,9 triệu liều vắc xin phòng Covid-19; tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều là khoảng gần 54% và tiêm đủ 2 liều là hơn 21% dân số từ 18 tuổi trở lên. Số lượng này tính đến ngày 27.11 là hơn 112 triệu liều; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 91,8% và 2 liều là 63,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Như vậy sau 1 tháng rưỡi, tỷ lệ tiêm vắc xin đã tăng gấp gần 2 lần với mũi 1 và gấp 3 lần với mũi 2 trên cả nước.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tỷ lệ tiêm vắc xin tăng tốc rất nhanh và đạt độ bao phủ cao, song số ca mắc mới cũng như ca cộng đồng cũng tăng vọt?

Hơn nửa triệu trẻ em TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Đơn cử, tính đến hết ngày 28.11, TP.HCM ghi nhận có 86.910 ca F0 đang được chăm sóc, cách ly, điều trị. Trong đó, số ca F0 nhập viện tầng 2, tầng 3 là 14.711 ca; F0 cách ly tập trung là 6.216 ca và F0 cách ly tại nhà là 65.983 ca. Tại Hà Nội, số ca mắc mới trong 10 ngày gần đây duy trì bình quân 200 - 300 ca/ngày, cũng là số lượng cao nhất trong đợt dịch thứ 4 cũng như 4 đợt dịch vừa qua.Số lượng F0 tại Thái Nguyên tăng mạnh khiến địa phương phải kích hoạt thêm 2 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây đang quá tải khu điều trị F0, trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 500 ca nhiễm mới, như Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Bình Thuận ghi nhận 598 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 28.11, cao kỷ lục trong vòng 2 tháng qua. Tây Ninh đang điều trị 13.015 bệnh nhân, trong đó 11.114 F0 được điều trị, chăm sóc tại nhà.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc mới cũng như F0 cộng đồng tăng cao tại các địa phương do nhiều nguyên nhân: việc nới lỏng đi lại khiến tiếp xúc tăng cao. Nhiều người dân có tâm lý chủ quan khi đã tiêm vắc xin nên không tuân thủ 5K, tụ tập ăn uống đông người không cần thiết, người đi từ vùng dịch về không khai báo y tế đầy đủ hoặc ho sốt tự mua thuốc điều trị, không khai báo dẫn tới lây lan dịch...

Theo ông Phu, số lượng F0 tăng cao khi mở cửa trở lại đã được dự đoán từ trước đó. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 với tinh thần thích ứng linh hoạt theo 3 tiêu chí: thứ nhất là phải kiểm soát dịch bệnh không để bị bùng phát quá, dẫn đến quá tải điều trị. Thứ hai là phải đủ giường bệnh các tầng điều trị theo quy định để bệnh nhân cần can thiệp y tế có chỗ điều trị. Thứ ba là tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao, đặc biệt tiêm cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền.

“Dù số ca tăng đã được dự báo, song không thể chủ quan buông lỏng. Đặc biệt các địa phương phải đáp ứng tốt về tỷ lệ tiêm chủng, kiểm soát ca bệnh và điều trị F0. Nếu để F0 tăng quá cao dễ dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống y tế”, PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến nghị.

Việt Nam vượt mốc tiêm 120 triệu liều vắc xin Covid-19

Nhóm có bệnh nền nguy cơ tử vong vẫn cao

Theo phân tích của Sở Y tế Đồng Nai, có sự giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong ở nhóm người đã tiêm vắc xin so với nhóm chưa tiêm. Tuy nhiên, nhóm có bệnh nền nguy cơ tử vong vẫn cao dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Còn theo bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, khi đã tiêm vắc xin và thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm chỉ ở mức 50%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.