Vì sao sinh viên cần rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian?

01/09/2022 11:54 GMT+7

Không biết cách quản lý thời gian khiến nhiều sinh viên loay hoay, học tập không hiệu quả.

Khó cân bằng giữa học và làm

Tự do hơn, có nhiều dự định học tập và làm việc trong môi trường mới, thói quen "nước tới chân mới nhảy"... là những nguyên nhân mà Lê Ngọc Thanh Vân, sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng tân sinh viên khó sắp xếp thời gian biểu hợp lý.

Người trẻ biết cách cân bằng thời gian sẽ đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống (ảnh có tính minh họa)

N.V

Thanh Vân chia sẻ cô thường sắp xếp thời gian học bằng cách lập ra thời khóa biểu, chia giờ cụ thể cho những việc cần làm. "Nếu vào lúc 7-8 giờ sáng dành cho việc học ngoại ngữ thì tôi chỉ học đúng khoảng thời gian đó. Sau 8 giờ thì tôi sẽ ngừng lại để làm việc khác, như vậy sẽ tránh được chuyện tôi lướt điện thoại giữa giờ", Thanh Vân chia sẻ.

Nữ sinh viên cũng tâm sự, giảng viên sẽ không nhắc nhở sinh viên về việc học như thầy cô ở bậc THPT. "Do đó, nếu không tự giác thì sinh viên sẽ dễ bị bối rối trước lượng bài khổng lồ, không biết xếp thời gian học sao cho phù hợp", Vân chia sẻ, đồng thời cho hay cô không theo kịp tiến độ khi vừa vào năm nhất.

Vừa học, vừa cộng tác cho Bản tin ĐH Quốc gia TP.HCM và làm công việc sáng tạo nội dung cho một thẩm mỹ viện, Trần Thị Hương Nhu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. Có lúc tôi cảm thấy 24 giờ 1 ngày là quá ít để hoàn thành tất cả công việc”.

Thời gian biểu của Hương Nhu gần như xoay quanh việc học và công việc. “Tôi đi học cả ngày ở trường, buổi tối học thêm tiếng Anh, nên chỉ còn một ít thời gian để hoàn thành công việc. Những lúc có hẹn đi chơi với bạn bè thì tôi phải ‘chạy hết tốc lực’ để làm xong chứ không dám bỏ ngang”, nữ sinh viên tâm sự.

Hương Nhu cho rằng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc cần hoàn thành trong một ngày là điều rất quan trọng. “Tôi luôn hoàn thành bài tập, bài thi ở trường trước sau đó mới đến công việc. Ngoài ra, các bạn cũng có thể xin sếp hoặc quản lý thông cảm nếu bạn bận học, đừng gánh quá nhiều việc vì sẽ làm không nổi”, cô nói.

Cũng là sinh viên năm cuối, Vũ Như Mai, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết bản thân vừa đi làm thêm vừa học để chuẩn bị cho kỳ thực tập sắp tới, đồng thời ôn tiếng Anh để đạt chuẩn đầu ra của trường.

Theo Mai công việc làm thêm tại cửa hàng tiện lợi và làm cộng tác viên cho các tờ báo là bán thời gian nên có thể linh hoạt sắp xếp. "Tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian học và giải đề tiếng Anh, hôm nào được nghỉ tôi sẽ học rải rác vào các thời điểm trong ngày. Khi phải đi làm thì tôi chỉ ôn thi vào buổi sáng, cũng có những ngày quá bận không học được gì", Mai nói.

Nữ sinh viên cho biết bản thân chưa có người yêu nên đỡ "áp lực" việc dành thời gian cho người ấy, nhiều lúc bản thân phải hủy hẹn vì bận công việc nhưng bạn bè cũng thông cảm. "Người khác chủ động rủ mà tôi từ chối tham gia cũng khá nhiều, vì khi đó tôi bị động, chưa chắc xếp được thời gian", Mai lý giải.

Phương pháp quản lý thời gian hiệu quả

Diễn giả Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng phòng đào tạo kỹ năng thuộc Công ty cổ phần Finlife Việt Nam, cho biết việc sắp xếp thời gian sinh hoạt không hợp lý là điều thường gặp ở nhiều sinh viên. Anh nhận định: "Người trẻ dành quá nhiều thời gian để giải trí dẫn đến không còn sức lực, tiền bạc và thời gian cho các hoạt động cần thiết như học tập, phát triển bản thân, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc… là điều rất đáng lưu tâm".

Ông Chiến đưa ra ví dụ, hình ảnh đầu bù tóc rối, hốc hác vì thiếu ngủ, có thể xuất hiện ở cả sinh viên năm nhất và sinh viên năm cuối. Năm nhất “bù đầu” vì chơi game, xem phim xuyên đêm, còn năm cuối vì làm đồ án, luận văn. Ông chia sẻ, sinh viên năm 1, 2 sẽ chơi nhiều vì 2 năm đầu chủ yếu học các môn đại cương, thực hành ít và tâm lý thoát khỏi sự quản thúc của gia đình, môi trường mới...

"Trong khi đó, sinh viên năm 3, 4 bắt đầu ý thức được mình sắp phải ra trường và đi làm, nên chú tâm vào học hành nhiều hơn. Các môn chuyên ngành với thời lượng, độ khó cao hơn, chuyên ngành về sư phạm, kỹ thuật thì cần nhiều thời gian đi kiến tập, thực tập. Nhiều em chưa quen với nhịp độ này, thậm chí khủng hoảng vì không đủ thời gian để trả bài, hay làm hết các công việc liên quan", ông Chiến nói.

Để khắc phục tình trạng quản lý thời gian chưa tốt, ông khuyên sinh viên nên lên kế hoạch công việc theo tháng, theo tuần, theo ngày, lên danh sách công việc cụ thể cần làm kèm thời gian cần hoàn thành (To-do list), đánh dấu những việc làm xong hoặc chưa xong, ứng dụng theo ma trận Eisenhower (ưu tiên cho những việc “Quan trọng và Khẩn cấp” trước, rồi đến “Quan trọng” và cuối cùng là “Ít khẩn cấp và không quan trọng”).

Diễn giả cho biết thêm trong vòng 5-10 năm gần đây, các trường ĐH mở ra nhiều buổi hội thảo có ý nghĩa cho sinh viên, tập trung vào phát triển kỹ năng mềm. "15 năm trước, chúng tôi thường nhận được đánh giá là sinh viên Việt Nam rất yếu về kỹ năng mềm, nhưng hiện nay điều này đã được cải thiện. Các bạn sinh viên bây giờ rất năng động, đi làm từ rất sớm, có bản lĩnh, ham học hỏi, nhiều ý tưởng, có những việc các bạn còn làm tốt hơn cả những anh chị đã đi làm lâu năm. Đó là điều rất đáng mừng", ông tâm đắc nói.

Ông Chiến cho hay cân bằng việc học và tham gia các câu lạc bộ ngoại khóa cũng rất quan trọng. "Những hoạt động tình nguyện, tham gia dự án phi lợi nhuận, câu lạc bộ, lớp học kỹ năng hay là cộng tác viên, thực tập sinh... đều là cơ hội để trải nghiệm, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm cho sinh viên", ông nói.

"Sinh viên hãy cố gắng duy trì kỷ luật bản thân để làm theo kế hoạch, tự thưởng - phạt cho mình khi hoàn thành hoặc không hoàn thành kế hoạch đề ra, kết giao với những người bạn cùng quan điểm, tạo ra "liên minh" giúp đỡ nhau cùng tiến bộ", ông Chiến đưa ra thêm một số phương pháp quản lý thời gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.