Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát ?: 'Thổi bay' rừng quý hiếm

09/04/2022 07:14 GMT+7

Nhiều cánh rừng quý hiếm ở khu vực Tây nguyên - Nam Trung bộ từng ngày bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ, chiếm đất.

Tại nhiều tỉnh khu vực Tây nguyên - Nam Trung bộ có nhiều rừng gỗ quý như pơ mu, căm xe thuộc nhóm IIA - nhóm gỗ quý hạn chế khai thác hay sử dụng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, nhiều cánh rừng quý hiếm nơi đây từng ngày bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ, chiếm đất.

Hạ sát rừng pơ mu

Một ngày cuối tháng 2.2022, lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (Công ty lâm nghiệp Krông Bông; đóng ở H.Krông Bông, Đắk Lắk) phát hiện 11 cây pơ mu bị cưa hạ ở tiểu khu 1219. Tại thời điểm phát hiện, nhiều cây pơ mu đã bị lấy đi phần thân, gỗ còn sót lại tại hiện trường hơn 9,3 m³. Vị trí hiện trường cưa hạ pơ mu chỉ cách chốt QLBVR của phân trường 2 thuộc Công ty lâm nghiệp Krông Bông khoảng 2 km.

Tại trụ sở Công ty lâm nghiệp Krông Bông, anh Y Thái Niê (32 tuổi, Phó trưởng phân trường 2) cho biết, nhóm QLBVR của anh đã tuần tra rừng 3 ngày liền, đến ngày thứ 4 thì phát hiện vụ chặt hạ pơ mu trên, nhưng không xác định được nghi phạm.

Khi được hỏi vì sao trong khoảng cách khá gần từ hiện trường đến chốt giữ rừng nhưng lực lượng QLBVR không phát hiện được vụ phá rừng trên, anh Y Thái cho rằng “do địa hình nhiều đồi núi, khe sâu, có khi tiếng cưa gỗ bạt theo hướng gió nên anh em tại chốt không nghe được”.

Gỗ tang vật thu giữ tại Hạt Kiểm lâm H.Krông Bông (Đắk Lắk), trong đó có nhiều khối pơ mu

TRUNG CHUYÊN

“Tiểu khu 1219 nơi có nhiều cây pơ mu nằm ở vị trí cao, hiểm trở, đường đi rất khó khăn, chung quanh có nhiều lối vào, rất khó kiểm soát. Giữa rừng núi trập trùng, nếu không nghe được tiếng cưa máy hạ cây, thì rất khó xác định vị trí lâm tặc hoạt động”, anh Y Thái lý giải.

Ông Trần Văn Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông, cho biết vụ phá rừng pơ mu trên đủ yếu tố khởi tố vụ án vì liên quan đến rừng phòng hộ, gỗ bị khai thác thuộc nhóm IIA. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với cơ quan liên quan khám nghiệm hiện trường; trưng cầu giám định thiệt hại để có cơ sở xử lý.

“Hạt cũng gửi thông báo nhiều nơi, vận động người dân tố giác nhóm đối tượng đã xâm nhập, khai thác trái phép gỗ pơ mu trên, nhưng hiện chưa tìm ra thủ phạm. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với công an để xử lý nghiêm vụ việc này”, ông Tùng nói.

Vụ hủy hoại pơ mu trên khiến dư luận địa phương không khỏi lo lắng trước tình trạng rừng gỗ quý này chưa thôi “chảy máu”. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, lâm tặc đã nhiều lần xâm nhập khu vực rừng nguyên sinh thuộc lâm phần của Công ty lâm nghiệp Krông Bông để tàn sát pơ mu (theo một cán bộ lâm nghiệp, gỗ pơ mu có giá khá cao trên thị trường, mỗi mét khối được mua bán với giá vài chục triệu đồng).

Điển hình là các vụ cưa hạ 48 cây pơ mu xảy ra vào tháng 10.2018; 24 cây vào tháng 2.2019; 9 cây vào tháng 12.2019; 14 cây vào tháng 2.2020, 19 cây vào tháng 4.2020. Trong các vụ khai thác trái phép pơ mu thời gian qua, chỉ có 1 vụ cơ quan chức năng xác định được thủ phạm. Đó là vụ lâm tặc lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán để ra tay. Tối 12.2.2021 (mùng 1 tết Tân Sửu), Công an H.Krông Bông mật phục, bắt quả tang 6 đối tượng cùng ngụ xã Cư Đrăm (H.Krông Bông) đang dùng 5 con trâu kéo 9 phách gỗ pơ mu có khối lượng khoảng 7 m³ ra khỏi rừng. Công an đã khởi tố 6 nghi phạm trong vụ này, tuy nhiên, đến nay các bị can chưa bị đưa ra xét xử.

Nhiều khoảnh rừng căm xe ở xã Ninh Tây (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị xóa sổ để lấy đất trồng mía

HIỀN LƯƠNG

Tan hoang rừng căm xe “độc nhất vô nhị”

Nói đến rừng phòng hộ căm xe trên địa bàn xã Ninh Tây (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) thì rất nhiều người biết, bởi đây không chỉ là “lá phổi xanh” cho cả TX.Ninh Hòa và vùng lân cận, mà còn là nơi giữ nước, giữ ẩm cho cả vùng đất chuyên canh trồng mía nổi tiếng nhất xứ trầm hương - Khánh Hòa.

Rừng căm xe Ninh Tây chỉ có một loại cây gỗ căm xe sinh trưởng tự nhiên. Đây là loài gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA, tồn tại ngay giữa vùng dân cư và nằm trên tuyến QL26 nối Khánh Hòa - Đắk Lắk. Rừng căm xe tự nhiên ở đây có tổng diện tích lên đến gần 600 ha, cây nằm san sát nhau như rừng trồng. Thế nhưng, những cánh rừng căm xe nguyên sinh độc nhất vô nhị này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, nếu tình trạng tàn phá rừng không được ngăn chặn.

Một số người dân địa phương cho hay, không chỉ rừng căm xe nằm trên tuyến quốc lộ, vị trí đất rừng rất bằng phẳng mà thổ nhưỡng ở đây rất tốt. Vì thế, từ nhiều năm qua có nhiều người tìm mọi cách để có được rừng, đất rừng.

Theo điều tra của PV Thanh Niên, ban đầu việc xâm hại rừng quý hiếm nơi đây bằng việc chặt đi những cây gỗ lớn đem bán. Tuy nhiên, vì muốn có đất canh tác cũng như sang nhượng kiếm lời, rừng căm xe từ chỗ bị đốn cây, phá từng khoảnh nhỏ rồi đến quy mô “khủng”, khiến rừng như một tấm da beo, loang lổ từng nơi. Nếu nhìn từ bên ngoài vào, cứ tưởng rừng căm xe còn đầy đặn, nhưng khi đi vào sâu bên trong, rừng đã tan tác, lõi rừng dần biến mất.

Mặc dù là rừng nguyên sinh, nhưng ở đây chi chít lối mòn rộng 4 - 5 m xuyên sâu vào lõi rừng. Có những lối mòn, dấu vết xe cơ giới đã khiến con đường mòn như đường giữa khu dân cư. Giữa rừng, cây mía, keo lai, chuối mọc lên từng khoảnh rộng. Thậm chí, ngay giữa vùng lõi rừng còn có cả trại chăn nuôi. Sâu vào rừng, những gốc cây căm xe lớn nhỏ bị đốn hạ nằm nhan nhản, có những vết cưa còn khá mới. Có những khoảnh rừng bị đốt trắng để lấy đất trồng mía.

Nhiều gốc căm xe ở rừng phòng hộ căm xe thuộc xã Ninh Tây (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị đốn hạ

HIỀN LƯƠNG

Sau phá rừng là chiếm đất

Trước đây, 1 ha đất trồng mía ở khu vực xã Ninh Tây có giá khoảng 50 - 60 triệu đồng. Nhưng càng về sau, do giá mía và nhu cầu mía nguyên liệu tăng cao, giá đất đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần nên nhiều đối tượng làm liều vào rừng căm xe chặt cây lấy gỗ bán rồi chiếm luôn đất rừng.

Ban đầu, “lâm tặc” chiếm từng khoảnh lớn vài ngàn mét vuông, nhưng về sau, do không quản lý nghiêm nên có những khoảnh rừng rộng vài héc ta đã bị xóa sổ. Hiện nay, giá đất ngày mỗi tăng, nạn phá rừng càng âm ỉ diễn ra. Thậm chí, cách lán trại lực lượng bảo vệ rừng vài trăm mét, nhiều khoảnh rừng căm xe đã bị phá trắng, thay vào đó là cây mía và keo mọc lên từ nhiều năm nay.

Trong các điểm phá rừng phòng hộ căm xe Ninh Tây, thì khu vực buôn Tương được xem là nơi phá rừng dữ dội nhất, với hàng chục điểm. Có nơi rừng bị phá trắng 3 - 4 ha. Hiện trường còn lại là những cây gỗ căm xe có đường kính 20 - 40 cm bị đốn hạ còn trơ gốc, và ở đó mía đang mọc lên.

Rừng căm xe Ninh Tây bị phá bằng nhiều “chiêu”, nhưng việc dùng dao gọt gốc cây, đổ hóa chất hoặc nước muối khiến cây chết dần chết mòn được áp dụng phổ biến. Thậm chí có thời điểm, có một nhóm khoảng 15 - 20 người chuyên đi phá rừng theo kiểu đổi công. Họ tập trung phá rừng kiểu chớp nhoáng cho hộ này, rồi kéo qua phá rừng lấy đất cho hộ kia.

Rừng quý hiếm bị phá quy mô, nhưng cán bộ bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa) cho rằng “nhóm phá rừng này đa phần là đối tượng cộm cán nên rất manh động”. Do diện tích rừng lớn, nhiều đường đi lại vào rừng nên dù có bố trí 4 trạm bảo vệ với khoảng 20 người, nhưng rất khó kiểm soát việc lâm tặc vào phá.

Cán bộ này cũng thừa nhận, việc phá rừng diễn ra trong thời gian dài, mỗi năm có vài chục vụ bị phát hiện và lập biên bản. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm nhiều đối tượng phá rừng chưa đủ mức răn đe nên rừng vẫn luôn “chảy máu”. Theo thống kê, trong số 600 ha rừng căm xe Ninh Tây nay đã bị mất khoảng 200 ha. Cứ đà này, rừng không lâu sẽ bị xóa sổ.

Một lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết Ban đã chuyển qua Hạt Kiểm lâm TX.Ninh Hòa hàng chục hồ sơ về phá rừng căm xe để xem xét khởi tố theo quy định. Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Hạt Kiểm lâm TX.Ninh Hòa cho hay đã khởi tố một số vụ án phá rừng và chuyển hồ sơ qua công an điều tra, khởi tố bị can theo quy định.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.