Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát?: Mất rừng phòng hộ

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
12/04/2022 06:12 GMT+7

Không chỉ có những cánh rừng trên núi bị phá nát, rừng phòng hộ nằm ngay giữa đồng bằng cũng bị tàn phá nghiêm trọng.

Vì sợ mất rừng phòng hộ ven biển gây ảnh hưởng đến môi trường sống, nhiều năm qua, không ít lần người dân H.Phù Mỹ (Bình Định) tụ tập đông người để phản đối, cản trở các dự án triển khai trên địa bàn.

Theo người dân, từ sau ngày đất nước thống nhất, chính quyền huy động sức dân, cung cấp cây giống để trồng dương (phi lao) dọc bờ biển các huyện Phù Mỹ, Phù Cát… Khu vực này toàn đất cát khô cằn, “trồng 10 cây chỉ sống 1” nên phải trải qua nhiều thế hệ học sinh, thanh niên, phụ nữ, nông dân… liên tục trồng, mới hình thành được rừng dương. Về sau, rừng dương ven biển được chính quyền giao cho ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Phù Mỹ, Phù Cát quản lý.

Rừng dương bị phát dọn để triển khai dự án điện mặt trời tại H.Phù Mỹ

BẢO THOA

Dân bức xúc vì mất rừng phòng hộ

Khoảng 15 năm trở lại đây, cơn “ác mộng” mất rừng phòng hộ của người dân bắt đầu khi hàng chục dự án khai thác ti tan xuất hiện tại H.Phù Mỹ, H.Phù Cát. Tại H.Phù Mỹ, Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho 18 doanh nghiệp khai thác ti tan với tổng diện tích hơn 1.260 ha. Tại H.Phù Cát, Bộ TN-MT cấp 3 giấy phép khai thác ti tan với tổng diện tích 352 ha. Đến nay, hầu hết các mỏ khai thác ti tan đã đóng cửa, dừng khai thác nhưng người dân vẫn còn bức xúc, bởi “rừng phòng hộ tiêu tan theo dự án ti tan”. Vì vậy, việc thu hút các dự án đầu tư tại khu vực ven biển H.Phù Mỹ gặp rất nhiều khó khăn vì người dân luôn tập trung cản trở, phản đối.

Người dân cho rằng việc khai thác ti tan khiến rừng dương ven biển bị đốn hạ dẫn đến hiện tượng cát bay, nguồn nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm… Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sau khi khai thác ti tan để lại các hố sâu trên bãi cát, công tác hoàn thổ, trồng lại rừng không giống như cam kết ban đầu. Một số diện tích khai thác ti tan xong, doanh nghiệp trồng lại dương, nhưng phải mất hàng chục năm sau mới có thể lớn thành rừng.

Ông Nguyễn Văn Tòng (59 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, H.Phù Mỹ) cho rằng rừng dương phòng hộ là tấm lá chắn, bảo hộ cho người dân sống ven biển. Rừng dương có tác dụng che gió, chắn cát, giữ nước ngầm, điều hòa khí hậu, ngăn chặn sa mạc hóa… “Ở những khu vực rừng dương ven biển bị chặt phá, mùa nào cũng có cát bụi bay vào nhà thì ai mà sống ở đó cho được? Các dự án đã đem lại cái lợi gì, cho ai, còn người dân chúng tôi phải chịu khổ như vậy?”, ông Tòng bức xúc.

Khu vực triển khai dự án điện mặt trời Phù Mỹ

BẢO THOA

Thuyết phục dân đồng tình rồi để doanh nghiệp phá !

Năm 2018, dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (ở H.Phù Mỹ) làm chủ đầu tư cũng bị người dân các xã Mỹ Thắng, Mỹ An phản ứng ngay từ khâu khảo sát, thậm chí cản trở, bắt giữ người lạ đến khu vực dự án... Người dân phản đối dự án vì sợ ô nhiễm môi trường, lo ngại doanh nghiệp núp bóng làm dự án để khai thác ti tan, phá rừng phòng hộ, rào chắn lối đi ra biển và lo ngại chủ đầu tư sẽ bán dự án cho người nước ngoài…

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định phải tổ chức đối thoại nhiều lần thì người dân mới đồng ý cho doanh nghiệp triển khai dự án. Nhưng sau khi dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1, trong quá trình thi công giai đoạn 2 thì chủ đầu tư lại để xảy ra vụ lấn chiếm 5,26 ha rừng dương ven biển, khiến người dân bức xúc. Diện tích rừng bị chặt phá này là rừng phòng hộ ven biển do Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Phù Mỹ quản lý, được trồng cách đây ít nhất 10 năm. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và UBND H.Phù Mỹ đều báo cáo là phát dọn “nhầm” diện tích.

Người dân xã Mỹ An thì không tin doanh nghiệp “phát dọn nhầm” diện tích rừng phòng hộ lớn đến thế, và cho rằng đã có chủ ý khi chủ đầu tư dự án xin hoán đổi diện tích đất 5,26 ha đã phát dọn bằng phần đất khác đã cấp cho dự án. Nhiều người còn nghi ngờ vụ việc có sự câu kết, bao che của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng.

Báo Thanh Niên từng nhiều lần lên tiếng phản ánh “phi vụ” trên, nhưng việc chính quyền địa phương chậm trễ công bố kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan sai phạm đã khiến người dân càng thêm bức xúc.

Nhiều người dân xã Mỹ An cũng đang lo lắng vì có thông tin sắp tới khu vực ven biển có quy hoạch dự án gang thép, cảng biển chiếm diện tích rất lớn và rừng dương phòng hộ sẽ tiếp tục bị mất.

Đừng “ấn” dự án phương hại đến rừng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, các dự án triển khai ở khu vực ven biển đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đã được HĐND tỉnh thông qua và nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm để nâng cao đời sống người dân.

Đối với rừng phòng hộ, khi cần làm dự án kinh tế sẽ có đánh giá tác động môi trường, nếu không ảnh hưởng đến môi trường thì chuyển mục đích sử dụng. Diện tích nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì UBND tỉnh Bình Định sẽ ban hành quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, diện tích lớn; nếu vượt thẩm quyền thì tỉnh sẽ trình xin Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi.

Công an đang điều tra vụ phá 5,26 ha rừng phòng hộ

UBND H.Phù Mỹ cho biết cơ quan công an đang điều tra, chuẩn bị có báo cáo về việc chặt phá “nhầm” 5,26 ha rừng tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An).

Trước đó, vào tối 6.8.2021, người dân xã Mỹ An phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương phòng hộ bên ngoài khu vực dự án. Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho rằng, trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 dự án điện mặt trời Phù Mỹ tại xã Mỹ An, đơn vị thi công đã “nhầm lẫn” trong xác định ranh giới dẫn đến “tác động” khoảng 5,26 ha đất nằm ngoài ranh giới được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, diện tích rừng được quy hoạch chức năng phòng hộ ở tỉnh Bình Định năm 2021 (178.304 ha) so với năm 2012 (194.943 ha) giảm 16.639 ha do nhiều nguyên nhân. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Định có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng quy hoạch phòng hộ sang mục đích khác hơn 218 ha. Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Định có 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác với diện tích hơn 180 ha (gồm 155 ha rừng thuộc dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ và hơn 25 ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4).

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy là nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, 2 và 3) có tổng diện tích đất sử dụng hơn 323 ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An. Giai đoạn 1 dự án thực hiện trên diện tích 129 ha đất ngoài lâm nghiệp; giai đoạn 2 thực hiện hơn 194 ha, trong đó có 155 ha đất có rừng quy hoạch chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay.

Khi dự án được triển khai, nhiều người dân xã Mỹ Thắng, Mỹ An lo ngại về việc mất rừng phòng hộ ven biển sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Theo ông Nguyễn Văn Tòng, các dự án triển khai tại địa phương, đặc biệt là những dự án có tác động đến rừng phòng hộ, cần phải thông báo rộng rãi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; còn nếu làm dự án theo kiểu ban hành văn bản từ trên xuống thì quá “ép dân”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.