Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?

Thanh Nam
Thanh Nam
10/02/2024 14:00 GMT+7

Không ít cô gái cho biết tết này đã chẳng còn ám ảnh việc suốt ngày quẩn quanh gian bếp lo việc nấu nướng, nội trợ. Thay vào đó, họ vui hơn khi có sự đồng hành của "đấng mày râu".

Những nỗi niềm từng giấu cho riêng mình biết

Chị Đỗ Thị Như Lan (34 tuổi), ngụ tại H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai), cho biết từng "khóc ròng" trong những dịp tết. Bởi một mình chị phải quán xuyến việc lo nấu nướng để cúng kiếng ở nhà chồng. Chị đảm trách tất cả nhiệm vụ: nấu ăn, rửa chén, trông con…

"Những năm sau, tôi có thêm em dâu. Nhưng chuyện nội trợ cũng do phụ nữ làm", chị Lan kể lại. Chính vì vậy, như lời chị Lan tâm sự, có nhiều lúc cảm thấy tủi thân. Nhưng chẳng dám thổ lộ, sợ bố mẹ chồng không hài lòng. "Tôi chỉ biết cất giấu những nỗi niềm cho riêng mình", chị Lan bộc bạch.

Nhưng tết năm nay chị Lan vui hơn, bởi được chồng thấu hiểu và vào bếp cùng. "Sáng mùng 1 tết, chồng thức dậy sớm lo cho con. Rồi tiếp tục phụ tôi nấu các món ăn, bài trí lên bàn để cúng. Nhờ vậy, những nỗi lo từ nhiều tết trước không còn nữa", chị Lan khoe.

Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?- Ảnh 1.

Phụ nữ thường lo chuyện nấu nướng cả trong dịp tết lẫn ngày thường

THANH NAM

Chị Hà Thị Nhung (32 tuổi), ngụ tại chung cư EHome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, kể mỗi năm về quê chồng ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) một lần vào dịp tết. Nhưng năm nào về chị cũng phải thức dậy thật sớm để đảm nhận việc nấu ăn. Đặc biệt là trong 3 ngày tết có cúng cơm, trách nhiệm trên vai chị nặng nề hơn.

"Tết năm ngoái, tôi không có thời gian để nghỉ ngơi. Khi quẩn quanh trong bếp. Sau cúng buổi sáng lại dọn rửa chén, bát. Tiếp tục làm cái này, cái kia, lo cho bữa ăn trưa, tối…", chị Nhung nhớ lại.

Sau nhiều cái tết tự mình lo mọi việc nhà chồng, chị Nhung đã chia sẻ, tâm sự với chồng. "Và tết này đã khác. Chồng không còn mặc định suy nghĩ "chuyện bếp núp là của phụ nữ" nữa. Chồng chủ động hỏi tôi có thể phụ giúp những việc gì, cách tráng trứng như thế nào, làm gà ra sao…? Thế nên tôi được rảnh tay hơn chứ không phải mệt mỏi nhiều", chị Nhung kể và nói thêm: "Chồng còn hứa từ nay (mùng 1 tết) cho đến mùng 4, sẽ tiếp tục phụ tôi, không để vợ làm mọi thứ một mình".

Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?- Ảnh 2.

Không ít phụ nữ ta thán chuyện một mình đảm trách chuyện nội trợ dịp tết

THANH NAM

Chia sẻ với phóng viên vào ngày đầu năm mới, nhiều thành viên trong "phe tóc dài" cũng bày tỏ những niềm vui khi chồng mình tâm lý hơn, hiểu được nỗi cực nhọc của phụ nữ trong chuyện nội trợ nên xắn tay áo, vào bếp hỗ trợ.

"Giữa tháng chạp, thấy chồng hay lướt đọc những bài viết hướng dẫn nấu ăn, tôi có hỏi lý do nhưng không nhận được câu trả lời. Và vào ngày 29 tết cúng rước, đáp án đã hiện rõ. Hóa ra chồng muốn cùng tôi nấu nướng, không để vợ lủi thủi một mình quanh gian bếp như những tết trước đây", chị Nguyễn Lê Ánh Nguyệt (30 tuổi), ngụ tại H.Tân Thạnh (Long An), kể.

Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?- Ảnh 3.

Điều buồn của nhiều cô gái là phải tự mình lo chuyện nấu nướng dịp tết

THANH NAM

Vào bếp cùng vợ để hạnh phúc tăng lên

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Thảo My, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyện một mình "cân" cả vấn đề nội trợ ngày tết là nỗi lo thường trực của nhiều phụ nữ. "Chẳng thể nào không lo khi phải tự mình nấu cả 6, 7 mâm cơm với hàng tá công việc: ướp cá, thịt; lặt rau; gói ram; chiên xào… rồi rửa chén, quét dọn… Đó cũng là lý do mà nhiều phụ nữ làm dâu thường ái ngại dịp tết. Họ lo lắng phải một mình lẻ loi trong gian bếp nhà chồng kèm theo áp lực phải hoàn thành mọi việc trong thời gian sớm nhất. Chưa kể nhiều người còn sợ bị gia đình chồng nói này nói kia, so sánh với dâu nhà người khác", chị My cho biết.

"Nhưng đáng mừng là thời nay, có nhiều người chồng biết thương yêu vợ nhiều hơn. Họ không còn cho rằng "đàn ông ở nhà trên, phụ nữ ở nhà dưới", "đàn ông tiếp khách, đàn bà phải nấu ăn". Qua đó, những người chồng muốn gánh vác vai trò nội trợ cùng với vợ. Chẳng hạn trong những ngày cận tết vừa rồi, khi tất niên, cúng rước, đọc Facebook thấy nhiều người bạn khoe chồng làm đầu bếp rất giỏi, cũng biết làm bò lúc lắc, nấu thịt đông, thịt kho nước dừa…", chị My kể thêm.

Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?- Ảnh 4.

Đàn ông cũng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nấu nướng

THANH NAM

Theo chuyên gia tâm lý này, việc chồng và vợ cùng vào bếp nấu nướng dịp tết là cơ hội để giúp tình cảm vợ chồng tăng lên, hạnh phúc nhiều hơn, gia đình thêm gắn kết.

"Có vào bếp, chồng sẽ hiểu những nỗi niềm của phụ nữ, biết được chuyện nấu nướng không hề đơn giản. Để từ đó sẽ thêm tình yêu cho vợ. Và cũng từ đây, người chồng sẽ biết duy trì việc phụ vợ việc nhà. Không để vợ lo tất tần tật từ A – Z, mà sẽ "xí phần" để khi người đầu ấp tay gối chăm con thì chồng nấu ăn, vợ lau nhà thì chồng tưới cây, dọn dẹp…", chị My cho hay.

Vì sao 'phe tóc dài' không còn ta thán chuyện bếp núc ngày tết?- Ảnh 5.

Chồng phụ vợ lo chuyện nấu ăn sẽ giúp tình cảm thêm gắn kết, hạnh phúc nhiều hơn

THANH NAM

Anh Nguyễn Quang Bảo (34 tuổi), ở H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), nói: "Dịp tết này, tôi đồng hành việc nội trợ với vợ từ ngày 27 tết tới nay. Và chắc chắn trong suốt thời gian tết, tôi cũng sẽ phụ vợ. Không thể để vợ phải áp lực với ngổn ngang nỗi nhọc nhằn". Anh Bảo cũng nói nhờ được vào bếp nên biết thương vợ nhiều hơn.

Anh Bảo cũng khuyên những người chồng: "Đừng tự cho mình là trụ cột trong gia đình, đàn ông là phải lo chuyện lớn lao. Cần thay đổi quan điểm đó, chồng nên chia sẻ mọi việc cùng vợ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.