Vì sao phải quản lý tình trạng hôn nhân bằng việc ghi tên người sắp kết hôn?

Phan Thương
Phan Thương
13/07/2020 18:03 GMT+7

Việc ghi tên người dự định kết hôn trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là để tránh tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, hoặc thực hiện các giao dịch phát sinh.

Ghi rõ người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn

Khoản 3 Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có hiệu lực từ ngày 16.7.2020 (thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP), quy định “Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn".
Đối với những trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì khoản 4 Điều 12 quy định, trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.

Xin giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới

Tuy nhiên, một số chuyên gia giới luật cho rằng việc ghi tên người dự định đăng ký kết hôn với trường hợp giấy xác nhận độc thân dùng để đăng ký kết hôn là không cần thiết. Bởi, tên người dự định đăng ký kết hôn có thể bị thay đổi. Hơn nữa, việc xác nhận độc thân là tình trạng nhân thân của công dân; cơ quan hành chính có nghĩa vụ xác nhận công dân đó đang không có đăng ký kết hôn ở địa phương, còn việc công dân dùng giấy xác nhận tình trạng nhân thân làm gì thì cơ quan không cần biết, để yêu cầu người dân ghi rõ.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Phòng hộ tịch Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM) cho hay thủ tục này trước nay đã có, từ Nghị định 158/2005 đến Thông tư 15/2015 đều có quy định. Thông tư 04/2020 là hệ thống hóa lại tất cả những nội dung Cục Hộ tịch - Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hộ tịch, sau một thời gian thi hành do có một số bất cập, vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Triều Lưu việc ghi tên người dự định kết hôn trong giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là để trách tình trạng một người kết hôn với nhiều người, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, hoặc thực hiện các giao dịch phát sinh.
Theo đó, nếu một người muốn cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích kết hôn, nhưng không nộp lại được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp trước đó, thì thông qua dữ liệu đã cung cấp, cơ quan chức năng sẽ xác minh người yêu cầu đã kết hôn hay chưa, để cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sao cho đúng.
“Việc ghi thông tin người dự định kết hôn là cần thiết. Bởi hiện nay, Việt Nam chưa quản lý thông tin cá nhân, tình trạng hôn nhân bằng cơ sở dữ liệu điện tử, vì vậy muốn kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của một người buộc phải thông qua thủ tục này”.

Thông tư 04/2020 có lợi cho người dân

Ngoài ra, ông Nguyễn Triều Lưu cho hay Thông tư 04/2020 có nhiều vấn đề gợi mở, đẩy “gánh nặng” về phía cơ quan nhà nước, như việc xác minh trình trạng hôn nhân của người yêu cầu khi yêu cầu cấp lại; đồng cũng đòi hỏi người dân đảm bảo sự trung thực, trách nhiệm pháp lý trong việc cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình, chứ không phải cam đoan cho có. Vì thực tế vẫn có những trường hợp dù đã đăng ký kết hôn nhưng vẫn cam đoan tại Sở Tư pháp là chưa đăng ký kết hôn, để thực hiện giao dịch nào khác.
Chẳng hạn, Theo quy định Luật hộ tịch và nghị định 123, người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau phải tự chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.
Nếu không thể chứng minh được thì cán bộ tư pháp hộ tịch của phường sẽ "báo cáo chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người này đã từng đăng ký thường trú kiểm tra xác minh".
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã nơi đã từng đăng ký thường trú của người này phải trả lời bằng văn bản về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
Trường hợp vì nhiều lý do, các địa phương cũ chậm trễ hoặc không chịu xác nhận cho người dân thì thông tư 15/2015 đưa ra giải pháp: "Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân và chịu trách nhiệm với nội dung cam đoan”.
Tuy vậy, thời gian qua việc người dân phải chờ gửi văn bản xác minh, chờ có kết quả xác minh để được làm cam đoan mà không có thời hạn cụ thể đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Vì vậy, Thông tư 04 đã gỡ vướng khi quy định “sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp tục giải quyết hồ sơ theo quy định”.
Ngoài quy định mở cho người dân trong việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi kết hôn, theo ông Nguyễn Triều Lưu, Thông tư 04/2020 cũng có nhiều điểm mới khác, có lợi cho người dân, chẳng hạn Điều 18 về bổ sung thông tin hộ tịch nêu: "Giấy tờ hộ tịch đã cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật hộ tịch 2014 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng, mà không phải bổ sung thông tin hộ tịch còn thiếu so với biểu mẫu hộ tịch hiện hành; Giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ kể từ ngày 1.1.2016 mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.