Vì sao nhiều sinh viên chưa muốn đến trường học trực tiếp thời điểm này?

Hà Ánh
Hà Ánh
17/12/2021 10:07 GMT+7

Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, dù tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khá cao nhưng không ít sinh viên chưa muốn đến trường học trực tiếp vào thời điểm này vì nhiều lý do.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM đến trường học trực tiếp năm 2020

HÀ ÁNH

Chuẩn bị kế hoạch đón sinh viên đến trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến phòng dịch Covid-19, các trường ĐH ở TP.HCM đã thực hiện khảo sát tình hình người học. Nội dung khảo sát tập trung vào tỷ lệ sinh viên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hình thức học tập.

Phần đông sinh viên được tiêm vắc xin

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hồi giữa tháng 11 đã khảo sát hơn 11.000 trong tổng số hơn 16.000 sinh viên. Trong số 11.000 sinh viên tham gia khảo sát, có 10.671 đã được tiêm chủng và 500 F0 đã khỏi bệnh. Trong số 10.671 sinh viên đã được tiêm chủng thì có 6.647 người tiêm 2 mũi và số còn lại tiêm 1 mũi.

Tương tự, một nghiên cứu của nhóm giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) hồi giữa tháng 10 với 39.000 sinh viên cho thấy có tới 88,5% đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 (36,6% tiêm 2 mũi và 52,2% tiêm 1 mũi). Chỉ có 11,5% sinh viên cho biết vẫn chưa tiếp cận được vắc xin.

Các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM cũng thực hiện khảo sát để chuẩn bị kế hoạch học tập trực tiếp. Chẳng hạn, trong khảo sát của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM với gần 5.000 trên tổng số hơn 7.500 sinh viên, có hơn 67% đã tiêm đủ 2 mũi và dưới 10% chưa tiêm.

Còn kết quả khảo sát gần 6.800 sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM cho thấy hơn 77% đã được tiêm vắc xin và tỷ lệ chưa tiêm chiếm hơn 22%.

TP.HCM ghi nhận 8 ca Covid-19 trong trường học sau 4 ngày học trực tiếp

Sinh viên mong muốn học tập theo hình thức nào?

Cũng trong các cuộc khảo sát, một số trường ĐH thu thập ý kiến người học về hình thức học tập thời gian tới. Kết quả có nhiều sinh viên mong muốn được đến trường học trực tiếp nhưng tỷ lệ chưa muốn đến trường trong thời gian này cũng không nhỏ.

Chẳng hạn, cuộc khảo sát với 6.783 sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM hồi tháng 10 cho thấy 46% mong muốn tiếp tục học trực tuyến. Số sinh viên muốn đến trường học trực tiếp chiếm 54%. Bên cạnh đó, 40% sinh viên cho biết họ gặp khó khăn khi đi lại nếu trường khôi phục dạy học trực tiếp.

Cũng theo thống kê của Trường ĐH Luật TP.HCM, hiện chỉ có hơn 2.000 sinh viên đang sinh sống tại TP.HCM (chiếm 34%) và số còn lại đang ở các địa phương khác.

"Điều này cho thấy một số lượng lớn sinh viên đang ở các địa phương khác giữa lúc trường chuẩn bị kết thúc học kỳ 1 năm học 2021-2022 và khá gần Tết Nguyên đán", ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nói.

Theo ông An, để tránh tình trạng sinh viên phải di chuyển nhiều lần trước và sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều khả năng nhà trường tổ chức dạy học tập trung sau kỳ nghỉ tết.

Tương tự, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết kết quả khảo sát thể hiện tỷ lệ khá lớn sinh viên không muốn trở lại trường trong tháng 12.2021 và đề nghị dời lại sau tết. Sinh viên đã nêu ra nhiều lý do như tình hình dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, ký túc xá (KTX) chưa đón sinh viên nội trú, thời gian nghỉ tết cận kề, theo tiến sĩ Hạ.

Còn tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết nhà trường sẽ tính toán việc cho sinh viên tới trường học trực tiếp sau khi KTX ĐHQG TP.HCM đón sinh viên nội trú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.