Vì sao nhiều người tái nhiễm Covid-19 ?

Liên Châu
Liên Châu
05/03/2022 05:22 GMT+7

Thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh ( Bộ Y tế ) cho biết hiện cơ quan này chưa có con số chính thức về tỷ lệ, số ca tái nhiễm Covid-19 . Tuy nhiên, thực tế có nhiều người tái nhiễm chỉ sau thời gian ngắn khỏi bệnh.

Một chuyên gia về truyền nhiễm chia sẻ, tái nhiễm vi rút gây bệnh Covid-19 là trường hợp người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại.

Bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2

Ngọc Thắng

Giới khoa học đang tìm hiểu thêm

Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm có thể xảy ra sau khi mắc Covid-19. Nguyên nhân là do sau khi mắc Covid-19 sẽ có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây nhiễm, nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, giảm dần; miễn dịch đó không bảo vệ được khỏi mắc các biến chủng của vi rút...

Chuyên gia này cũng lưu ý SARS-CoV-2 còn mới, chúng ta chưa biết hết về vi rút này, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu thêm về tình trạng tái nhiễm, như: tần suất tái nhiễm xảy ra như thế nào; những ai có nguy cơ cao bị tái nhiễm; bao lâu sau lần nhiễm bệnh trước thì tái nhiễm; nguy cơ lây truyền cho người khác sau khi tái nhiễm...

Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; Phân bổ đủ thuốc kháng vi rút để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19; Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện để tổ chức triển khai hoạt động điều trị tại nhà với các ca nhẹ.

Trước thắc mắc “Vì sao một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, sau khi nhiễm có miễn dịch lâu dài, thậm chí suốt đời, nhưng Covid-19 lại tái nhiễm?”, TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), cho hay SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó nhờ vắc xin hay nhiễm tự nhiên. Cơ chế này tương tự như đã thấy ở vi rút cúm. Với cúm, khuyến cáo tiêm mỗi khi có sự biến đổi chủng và điều này thường thực hiện hằng năm. Với Covid thì còn cần có những đánh giá chuyên sâu hơn bởi bệnh còn khá mới và cơ chế đáp ứng miễn dịch vẫn còn cần nghiên cứu sâu hơn để khuyến cáo lịch tiêm sao cho tối ưu.

Luôn thực hiện 5K, tiêm đủ mũi vắc xin

Bác sĩ Thái khuyến cáo: “Nhiều người nhiễm xong rồi cứ mặc kệ, coi như khỏi là xong mà quên mất phần còn lại sau đấy là cả hệ thống cơ thể của mình còn cần thời gian thải trừ hết tàn tích của vi rút, loại bỏ vi rút một cách triệt để. Nhiều khi tàn tích vi rút còn sót lại rất lâu, chứ không phải âm tính coi như xong. Nhiều người tái dương tính chỉ sau vài ngày quay lại làm việc”.

Theo BS Thái, âm tính không có nghĩa là đã “thoát”, mà cơ thể vẫn cần hồi phục sau đợt tấn công của vi rút. Do đó, cần tăng cường miễn dịch bằng tập luyện sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng để chống lại các đợt tấn công mới, vì sau này nguy cơ tái nhiễm vẫn còn rất lớn. “Vi rút biến đổi sẽ có chủng mới, khi sống chung với nó thì khả năng tái nhiễm với chủng mới là khá dễ dàng. Sau này, khi có những vắc xin mới hơn, công nghệ tốt hơn, có thể sẽ có các khuyến cáo bổ sung để tiêm tăng cường với vắc xin mới”, BS Thái chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, các vi rút liên tục thay đổi, bao gồm vi rút gây bệnh Covid-19. Những thay đổi này có thể dẫn tới việc xuất hiện các biến thể, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Bộ Y tế nhận định, trong nước có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến thể Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới ngoài Omicron.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.