Vì sao người Sài Gòn 'sở hữu' hủ tíu dai và thích ăn hơn hủ tíu mềm?

05/07/2020 19:38 GMT+7

Người miền Nam đã biến thể cọng hủ tíu mềm của người Hoa thành cọng hủ tíu dai. Thật thú vị khi hầu hết người miền Nam đều chỉ ưng ăn hủ tíu dai dù có hàng trăm năm sống cùng bà con người Việt gốc Hoa.

Nhiều người dám cá là hiện nay hủ tíu là món ăn đường phố phổ biến nhất ở khắp Sài Gòn- Chợ Lớn. Người ta có thể tìm đến các xe hủ tíu để ăn lót dạ hay no nê cả ngày và đêm bất kể ngồi ăn trong thời tiết bất thường hay khói bụi ô nhiễm.
Nhưng đừng tưởng là chỉ có giới lao động khoái khẩu món hủ tíu từ các xe đẩy của người nhập cư tư các tỉnh miền Trung với giá bèo, các quán hủ tíu Nam Vang hay hủ tíu Tàu nổi tiếng luôn nâng giá theo đà lạm phát và lúc nào cũng đông nghẹt khách sành ăn nhất là các ngày cuối tuần. Có người hỏi không biết lịch sử cái món hủ tíu này có từ hồi nào và tiến trình chinh phục khẩu vị người Sài Gòn ra sao?

Cọng hủ tíu dai “khai sinh” từ đâu?

Hủ tiếu là món ăn của người Triều Châu và Phúc Kiến do nhóm Vương Ngạn Địch đưa đến Mỹ Tho vào nửa cuối thế kỷ 17 và nhanh chóng phổ biến ra các tỉnh Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Vì sao người Sài Gòn thích ăn hủ tíu dai? 1
Người miền Nam từ xa xưa đã biến thể nguyên bản cọng hủ tíu mềm của người Việt gốc Hoa thành cọng hủ tíu dai đặc trưng. Thật thú vị khi hầu hết người miền Nam đều chỉ ưng ăn hủ tíu dai dù có hàng trăm năm sống hài hòa cùng bà con người Việt gốc Hoa.
Ở miền Nam nói chung và ở Sài Gòn- Chợ Lớn nói riêng, hủ tíu Tàu là món đặc trưng nhờ các hiệu mì gia nổi tiếng truyền qua nhiều đời.
Hủ tiếu (hủ tíu) Sài Gòn là món ăn đa phong cách, được chế biến thành nhiều kiểu cách khác nhau, từ hủ tiếu nước, hủ tiếu khô, hủ tiếu chiên giòn cho đến hủ tiếu xào, hủ tiếu nấu canh… món nào cũng có phong vị ngon riêng biệt.
Vì sao người Sài Gòn thích ăn hủ tíu dai? 2

Hủ tiếu Nam Vang cũng dùng cọng hủ tiếu dai

Hầu hết người Việt đều từng ăn qua hủ tíu, nhưng nhiều người trẻ Sài Gòn ngày nay ít ai để ý đến các chủng loại hủ tíu cũng như phân biệt đâu là cọng hủ tíu của người Hoa, đâu là hủ tíu của người Việt, và cả chuyện hủ tíu của người Việt miền nào, tỉnh nào.
Cọng hủ tíu vốn được làm bằng bột gạo và hẳn nhiên nguyên bản của nó là do người Hoa di dân và lưu vong du nhập vào xứ Ta. Cọng hủ tíu nguyên bản của người Hoa tồn tại đến ngày nay là cọng hủ tíu mềm. Ngày trước, khi bạn vô một tiệm hủ tíu Tàu bạn sẽ được các chú phổ ky mời bạn ăn hủ tíu mềm.
Người Việt gốc hoa dù là người Quảng, người Tiều hay người Hẹ... dù họ ăn hủ tíu khô hay nước họ không ăn hủ tíu gì khác ngoài hủ tíu mềm, món hủ tíu xào cũng là xào cọng hủ tíu mềm, thậm chí nếu họ ngán hủ tíu mềm thì họ chuyển qua bún gạo.

Món hủ tiếu mềm đặc trưng của người Hoa

Cọng hủ tíu mềm của người Hoa gần giống như cọng bánh phở nhưng mềm, trong, bở và to hơn cọng bánh phở. Nhiều người cho rằng hủ tíu mềm của người Hoa và bánh phở là “anh em sinh đôi” dù mỗi cọng bánh có tên riêng nhưng giống nhau đến khó phân biệt.
Vì sao người Sài Gòn thích ăn hủ tíu dai? 2

Món hủ tiếu cá của người Hoa cũng đã phải dùng cọng hủ tiếu dai để hợp khẩu vị nhiều người

Hủ tiếu dai miền Nam vang danh khắp xứ Nam kỳ

Ngày nay, các xe bán hủ tíu gõ của người nhập cư từ miền Trung có ở khắp phố - hẻm Sài Gòn. Bạn kêu một tô hủ tíu tức là bạn được bưng ra hủ tíu dai, hầu như không có xe hủ tíu gõ nào bán hủ tíu mềm. Dù ai cũng biết món khoái khẩu nhất của người miền Trung là món mì Quảng cũng có cọng bánh bột gọi là mì nhưng thật ra cũng na ná như cọng hủ tíu mềm.
Vì sao người Sài Gòn thích ăn hủ tíu dai? 3
Khẩu vị chọn ăn hủ tíu dai này thật đặc biệt và có lẽ chính vì cái khẩu vị “độc lập” này mà các hiệu hủ tíu Mỹ Tho, Đồng Tháp, Sa Đéc, Gò Công... ra đời và vang danh cọng hủ tíu dai bình thường được làm từ bột gạo, tùy loại gạo ngon hay dở mà định chất lượng, giá cả cọng hủ tíu; nhưng đặc biệt cọng hủ tíu Mỹ Tho, Gò Công, Đồng Tháp... được làm từ bột gạo lọc, nên cọng dai hủ tíu đúng là một sáng tạo thú vị của người xưa.
Tất nhiên cách nấu nước lèo, gia vị nêm nếm, phụ phẩm ăn kèm... của các hiệu hủ tíu Việt so với hủ tíu Tàu khác biệt hẳn hoi; và chính các cọng hủ tíu dai mang tên các địa phương miền Nam đã tạo ra khác biệt để giúp đa dạng khẩu vị món ngon Việt.
Cọng hủ tíu dai từ xưa cho đến nay không chỉ là nguyên liệu chính cho các tiệm hủ tíu từ bình dân cho đến sang trọng, mà chính những đầu bếp gia đình người miền Nam mỗi khi có đám tiệc thường nấu món hủ tíu dai xào lòng heo, lòng gia cầm, hải sản hay xào chay... Nếu ai là người miền Nam hay đi ăn đám ở xứ Nam Kỳ Lục tỉnh thì sẽ biết món ngon này chưa bao giờ bị chê, bị ế.
Những lý giải về văn hóa ẩm thực chỉ nhìn ở một vài khía cạnh là chưa bao quát. Rất mong quý độc giả Thanh Niên có thêm nhận xét về chủ đề này ở phần bình luận cuối bài
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.