Vì sao người lớn không nên chủ quan với viêm phổi?

Liên Châu
Liên Châu
16/10/2022 04:07 GMT+7

Tại VN, tỷ lệ mắc viêm phổi ở người lớn chỉ đứng hàng thứ hai sau tăng huyết áp; căn bệnh này đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong. Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân thường gặp gây viêm phổi ở người lớn trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do viêm phổi cao nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 75 tuổi. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2015, viêm phổi là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ mắc viêm phổi ở các nước đang phát triển cao hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển.

Viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn là bệnh lý hô hấp thường gặp

shutterstock

Ở VN, viêm phổi mắc phải cộng đồng (nghĩa là viêm phổi mắc phải ngoài bệnh viện) ở người lớn là bệnh lý nhiễm khuẩn thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn, chiếm 12% các bệnh phổi. Tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), theo thống kê từ 1996 - 2000, viêm phổi chiếm 9,57%, đứng hàng thứ tư sau các bệnh: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao, ung thư phổi.

Tỷ lệ mắc viêm phổi ở nước ta là 561/100.000 người dân, đứng hàng thứ hai sau tăng huyết áp. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 1,32/100.000 người dân, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong (năm 2014).

Triệu chứng

Triệu chứng viêm phổi điển hình là sốt cao, rét run, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nếu có tổn thương màng phổi). Bệnh nhân (BN) có hội chứng nhiễm trùng: sốt, môi khô, lưỡi bẩn... Trên BN cao tuổi, BN suy giảm miễn dịch, các biểu hiện ban đầu của viêm phổi có thể không rầm rộ. Hội chứng đông đặc: rung thanh tăng, gõ đục, rì rào phế nang giảm, có thể có nghe thấy ran nổ nếu tổn thương nhiều ở phổi.

Với viêm phổi do tác nhân vi khuẩn, phần lớn BN sốt cao trên 39 độ C, rét run kèm theo xuất hiện ho khan lúc đầu, sau ho khạc đờm mủ, có thể khạc đờm màu gỉ sắt và đau ngực vùng tổn thương. Người lớn tuổi có thể không có sốt.

Theo Bộ Y tế, viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn là bệnh lý hô hấp thường gặp, nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Bệnh cảnh lâm sàng viêm phổi ở nhiều mức độ khác nhau, từ những ca bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú đến các ca bệnh nặng với suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, gây tử vong. Việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp tăng hiệu quả điều trị. Mặc dù ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị nhưng tỷ lệ tử vong còn cao.

Nhận diện phế cầu khuẩn

Đáng lưu ý, nghiên cứu về các BN viêm phổi cho thấy hầu hết căn nguyên phát hiện được là vi khuẩn. Trong đó, phế cầu khuẩn chiếm 75% trong số các tác nhân gây viêm phổi.

Theo chuyên gia về bệnh hô hấp, phế cầu khuẩn là vi khuẩn có tên Streptococcus pneumoniae (S.pneumoniae, tên gọi thông thường là phế cầu). Có nhiều chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau gây nên các bệnh khác nhau. Phế cầu khuẩn cư trú chủ yếu ở mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh, người lành (người lành mang trùng). Vi khuẩn phế cầu thường gây ra nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn phế cầu khác nhau, phổ biến là bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, những bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm tính mạng như nhiễm khuẩn ở phổi gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não… Bệnh do phế cầu khuẩn thông thường lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mang vi khuẩn qua hành động hắt hơi, ho, nôn… hay dùng chung đồ cá nhân.

Viêm phổi thường xảy ra về mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh. Tuổi cao, suy giảm miễn dịch, suy tim, hút thuốc lá, nghiện rượu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm là các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm phổi do S.pneumoniae. Ngoài ra, viêm phổi do các vi rút (nhất là vi rút cúm) chiếm khoảng 10% các BN. Các BN viêm phổi vi rút nặng cũng thường bị bội nhiễm vi khuẩn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.