Vì sao người Hàn Quốc chưa 'mê' cà phê Việt?

Chí Nhân
Chí Nhân
14/03/2023 12:58 GMT+7

Với giá trị nhập khẩu lên đến 6,5 tỉ USD mỗi năm, Hàn Quốc được xem là thị trường cà phê lớn thứ 2 thế giới. Nhưng Việt Nam - một trong những nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới - vẫn nằm ngoài top 10 nhà cung cấp cà phê cho Hàn Quốc.

Nhiều nước tăng nhập cà phê Việt Nam

Lễ hội cà phê đang diễn ra tại Buôn Ma Thuột càng thêm ý nghĩa khi giá cà phê nội địa đang ở mức cao nhất trong gần nửa năm qua. Hiện giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên dao động quanh mốc 48.000 đồng/kg. So với đầu năm nay, giá cà phê bình quân tăng 8.000 đồng/kg và gần chạm mức đỉnh 50.700 đồng/kg hồi tháng 8.2022.

Làm sao khai thác thị trường cà phê lớn thứ 2 thế giới - Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Nguồn cung cà phê arabica thấp là cơ hội để phát triển xu hướng tiêu dùng cà phê robusta của Việt Nam

T.L

Giá cà phê nội địa tăng mạnh ngay từ đầu năm do nguồn cung khan hiếm trên thị trường quốc tế. Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng 2.2023 chỉ đạt 2,1 triệu bao, giảm gần 36% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam lại đang rất thuận lợi. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 2 xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt trên 200.000 tấn, trị giá 435 triệu USD, so với tháng trước tăng 40% cả về lượng và giá trị.

Trong đó, EU - thị trường tiêu thụ lớn nhất (chiếm 41%) tăng 2,7%; Nga tăng 29%; Mỹ tăng tới 47%; Algeria tăng 117%... Đáng chú ý, một số nước có thế mạnh về trồng cà phê cũng tăng mạnh khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam như: Mexico đạt gần 7.000 tấn, tăng gấp 6,7 lần, Indonesia đạt 6.700 tấn tăng 2,6 lần...

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục giảm trong giai đoạn đầu niên vụ 2022 - 2023, từ tháng 1 - 4. Điều này khiến giá cà phê thế giới tăng 11,4% trong tháng 2 lên mức bình quân 174,8 US cent/pound.

Tạo xu hướng cà phê Việt để tăng giá trị xuất khẩu

Tại một số cuộc hội thảo và diễn đàn về ngành cà phê, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang "mắc kẹt" trong thói quen tiêu dùng cà phê của khách hàng thế giới. Cụ thể, Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới nhưng khách hàng ở những nước tiêu thụ nhiều cà phê nhất thế giới lại thích sử dụng cà phê arabica. Đây chính là vấn đề khiến nhiều năm qua xuất khẩu cà phê của Việt Nam gặp khó khăn và đặc biệt là chưa có thương hiệu.

Dẫn câu chuyện bản thân khi đi công tác nước ngoài thường mang theo cà phê và mì gói vì không quen khẩu vị ở các khách sạn quốc tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói: "Tôi tin nhiều người trong chúng ta cũng thế. Vậy, với ngành cà phê Việt Nam, có nên chuyển hướng theo nhu cầu thế giới là arabica không. Nếu tiếp tục con đường cà phê robusta thì làm sao để cà phê Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn? Đây là những vấn đề cần phải tìm được lời giải để ngành cà phê phát triển bền vững", ông phát biểu.

Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc hiện được xem là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới với giá trị lên đến 6,5 tỉ USD. Trung bình, một người Hàn Quốc mỗi ngày uống đến 2 ly cà phê. Tuy nhiên, phần lớn sử dụng cà phê arabica. Chính vì vậy, thị phần cà phê của Việt Nam ở Hàn Quốc hiện còn thấp, nằm ngoài top 10 nhà cung cấp chính cà phê cho nước này.

"Ở Hàn Quốc có xu hướng khởi nghiệp trong ngành cà phê. Để khai thác thị trường giàu tiềm năng này, chúng ta có thể xây dựng xu hướng cà phê Việt tại đây. Các doanh nghiệp cà phê lớn của Việt Nam có thể hướng đến đối tượng khởi nghiệp cà phê để mở rộng thị phần", ông Tuyên chia sẻ.

Theo một số chuyên gia, xây dựng xu hướng "cà phê Việt" là điều cần thiết và hoàn toàn khả thi vì sản phẩm cà phê Việt thường xuyên được các cơ quan báo chí nước ngoài xếp vào danh sách "ngon nhất thế giới". Để làm được như vậy, cần các cơ quan chức năng tập hợp các thương hiệu lớn lại để xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá ở những thị trường tiềm năng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.