Vì sao nên khám sức khỏe trước kết hôn?

Liên Châu
Liên Châu
24/12/2023 08:05 GMT+7

Khám sức khỏe và được tư vấn trước kết hôn giúp các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh và đặc biệt cần thiết nếu mang gien bệnh hoặc có vấn đề về sức khỏe sinh sản hoặc mắc bệnh đường tình dục.

TRÁNH NGHI NGỜ NHAU

Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế): "Khám sức khỏe trước khi kết hôn rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nam nữ thanh niên hiện nay vẫn còn coi nhẹ hoặc e dè việc này".

Bà Hương nhấn mạnh: Khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ giúp các cặp đôi trang bị kiến thức, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho đời sống hôn nhân, mà còn giúp tránh nghi ngờ lẫn nhau, tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nếu mắc phải), giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống chăn gối.

Vì sao nên khám sức khỏe trước kết hôn?- Ảnh 1.

“Khám sức khỏe trước kết hôn” là chủ đề ngày Dân số VN 26.12 năm nay

Shutterstock

Ngoài ra, việc này còn kịp thời phát hiện và điều trị các bất thường về sức khỏe sinh sản ở vợ hoặc chồng, giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con cái sau này; đồng thời tư vấn cho các bạn trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình phù hợp.

"Các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm tốt nhất nên đi khám sức khỏe trước khi kết hôn là 3 - 6 tháng", bà Hương cho biết.

TRÁNH BỆNH DI TRUYỀN THƯỜNG GẶP

Phó vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số lưu ý: Trong số những trẻ em tàn tật thì các nguyên nhân về dị tật bẩm sinh chiếm tỷ lệ cao. Do đó, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, tránh được một số bệnh di truyền thường gặp, tránh những gánh nặng gây ra cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi biết tiền sử bệnh của bố mẹ, bác sĩ có thể tư vấn đến các bệnh, tật bẩm sinh sẽ xảy ra ở trẻ sơ sinh như: giang mai, lậu, rubella, viêm gan B, HIV…

Qua nghiên cứu và thực tế điều trị, TS-BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, thông tin: Khám sức khỏe trước kết hôn để phát hiện những nguy cơ về sức khỏe đối với cặp đôi cũng như sức khỏe của những đứa con sau này. Nội dung khám thường bao gồm các bệnh truyền nhiễm và các bệnh di truyền; trong đó, cần quan tâm là lịch sử bệnh tật của các thành viên trong gia đình, các yếu tố bệnh di truyền. Việc sàng lọc trước kết hôn sẽ giúp phát hiện cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh di truyền hay không. Nếu cặp đôi có nguy cơ sinh con bị bệnh thì sẽ được tư vấn lựa chọn phương pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị bệnh di truyền.

Các bệnh di truyền gồm: bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia, hemophilia, bệnh teo cơ duchenne, teo cơ tủy, và một số bệnh hiếm gặp như các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền; trong đó thalassemia là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh di truyền.

"Không chỉ người dân vùng sâu, vùng xa chưa biết đến thalassemia mà ngay cả rất nhiều người ở thành phố lớn cũng chưa có thông tin về căn bệnh này. Vì vậy, tình trạng các bố mẹ chỉ biết mình mang gien thalassemia khi sinh ra con bị bệnh còn đang rất phổ biến", BS Hà lưu ý.

BS Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết thêm: "Với các cặp vợ chồng chưa muốn có con, chúng tôi sẽ tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tránh tổn hại sức khỏe và tránh tai biến khi phải nạo hút thai".

CÁC NỘI DUNG KHÁM

Một trong các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của VN đến năm 2030 là: "Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%".

Theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, các nội dung tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn gồm:

Khám thể lực: đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.

Khám lâm sàng theo chuyên khoa:

Ở nữ giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội về sản khoa, phụ khoa), khám vú, khám bộ phận sinh dục ngoài, thăm khám âm đạo khi có yêu cầu chẩn đoán xác định và được sự đồng ý của khách hàng.

Ở nam giới là khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng (bệnh nội, ngoại về chấn thương), viêm tinh hoàn, bệnh lây qua đường tình dục, sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật, khám bộ phận sinh dục và thăm khám trực tràng khi cần thiết.

Khám cận lâm sàng: chụp X-quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.

Trường hợp nghi ngờ, sẽ được hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.