Vì sao 'máu rừng' vẫn chảy ở Gia Lai?

26/07/2019 13:14 GMT+7

Từ rừng sâu của Gia Lai, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra. Ngành chức năng lơ là hay năng lực hạn chế khiến 'máu rừng' vẫn chảy?

Trong những cánh rừng được giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (công ty, H.Kbang, Gia Lai) quản lý, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra âm ỉ.

Chảy 'máu rừng'

Hồi tháng 3, Hạt kiểm lâm H.Kbang phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động số và Phòng chống cháy rừng số I (Chi cục Kiểm lâm Gia Lai), tiến hành kiểm tra Tiểu khu 140, phát hiện có 9 cây gỗ bị chặt hạ trái phép với khối lượng thiệt hại là hơn 14,2 m3. Số gỗ này bị lâm tặc đốn hạ đầu năm 2019 nhưng không được công ty kiểm tra, phát hiện.

Cây rừng bị đốn hạ trái phép ở vùng giáp ranh của hai huyện Kon Chro và Ia Pa (Gia Lai)

Ảnh: Trần Hiếu

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 24.7, ông Trần Văn Trị, giám đốc công ty, phân trần: “Khu vực rừng, đất rừng của công ty nằm gần trung tâm H.Kbang, nhu cầu sử dụng gỗ khá lớn. Nhiều lâm tặc dùng mọi thủ đoạn bất chấp pháp luật cố tình lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép”.
Ngoài ra, hiện các cơ quan chức năng H.Kbang đang làm rõ vụ vận chuyển gỗ hương lớn trên địa bàn, phát hiện vào tháng 3 vừa qua. Cụ thể, lực lượng Hạt kiểm lâm H.Kbang phối hợp với Công an H.Kbang phối hợp kiểm tra xưởng chế biến gỗ của một doanh nghiệp, phát hiện một xe ô tô tải đang vận chuyển lâm sản từ phía xưởng ra.

Đau xót những cánh rừng giáng hương cổ thụ bị xẻ thịt giữa đại ngàn Tây Nguyên

Khi bị phát hiện, tài xế tắt máy, bỏ xe chạy trốn. Qua kiểm tra, trên xe có 10 hộp gỗ giáng hương (nhóm I), tổng khối lượng hơn 4,2 m3. Kiểm tra trong xưởng của doanh nghiệp này, lực lượng chức năng phát hiện thêm 10 hộp gỗ giáng hương với khối lượng hơn 1 m3. Phía doanh nghiệp chối bỏ việc sở hữu, chuyên chở số gỗ này. Toàn bộ tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Gỗ giáng hương có nguồn gốc từ đâu khi những ngả đường ra khỏi rừng đều bị chốt chặn?
Mới đây, Công an H.Kon Chro phát hiện Trạm kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ, xã Ia Ma, H.Kon Chro “thả cửa” cho xe vận chuyển gỗ. Và từ những thông tin phá rừng từ huyện này cũng như vùng giáp ranh với xã Ia Tul, H.Ia Pa, PV Thanh Niên đã xâm nhập vào rừng sâu, phát hiện lâm tặc chặt hạ nhiều cây gỗ lớn. Trong số này, không ít cây gỗ chỉ còn trơ gốc. Lâm tặc đã tẩu tán gỗ ra khỏi khu vực khai thác trái phép.

Trạm Kiểm lâm cửa rừng Đăk Pơ Kơ “thả cửa” cho lâm tặc

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định pháp luật.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND H.Kon Chro, cho biết: "Ngay khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có công văn chỉ đạo làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, ai vi phạm đều phải bị xử lý".
lan-lam-tac

Lán trại dựng trong rừng sâu ở H.Kon Chro, nghi là nơi tập hợp để khai thác gỗ trái phép

Ảnh: Trần Hiếu

Từ nhiều năm trước, tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo đưa lực lượng kiểm lâm về tận các xã để cùng với địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Song, rừng vẫn “chảy máu”.

Cứ kiểm tra là thấy mất rừng

Quá trình thanh tra tại 10 đơn vị quản lý, bảo vệ rừng gồm 7 ban quản lý rừng và 3 công ty lâm nghiệp theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vẫn đang được tiến hành. Theo đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai sẽ thanh tra toàn diện việc sử dụng các nguồn kinh phí, công tác bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp ở các đơn vị này trong giai đoạn 2013 - 2018.
Điều đáng buồn là cứ hễ tiến hành thanh tra, là cơ quan chức năng lại phát hiện hàng chục ngàn ha rừng, đất rừng đã bị chiếm, bị phá bởi sự quản lý lỏng lẻo, yếu kém của các chủ rừng.
Liệu có sự tiếp tay của chủ rừng nhằm trục lợi trên diện tích bị chiếm. Hàng ngàn ha rừng mà các ban quản lý đã "để mất" là một con số nhức nhối.

Ngay khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra vụ việc. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có công văn chỉ đạo làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm, ai vi phạm đều phải bị xử lý

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND H.Kon Chro

Tại nhiều khu vực rừng, chỉ có những con đường độc đạo để tập kết, vận chuyển gỗ. Nhưng lực lượng giữ rừng ở đâu khi gỗ dễ dàng bị kéo ra khỏi rừng?
Để khôi phục lại những cánh rừng đã mất, tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều cố gắng. Gia Lai đã chỉ đạo thành lập các Ban chỉ đạo thu hồi đất rừng bị chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Từ sự vận động của các ban này, người dân đã kê khai hơn 28.000 ha tính từ năm 2017 đến nay. Trong hai năm 2017 - 2018 tỉnh Gia Lai đã trồng được trên 13.000 ha rừng.
Song, điều quan trọng nhất vẫn là phải giữ rừng.
máu rừng vẫn chảy ở Gia Lai

Cây rừng bị đốn hạ trái phép ở vùng giáp ranh của hai huyện Kon Chro và Ia Pa (Gia Lai)

Ảnh: Trần Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.