Vì sao lớp 1 đại trà, lớp 6 và 10 lại thí điểm?

04/05/2017 14:01 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, kiến nghị mới nhất từ Ban Soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới là chỉ triển khai đại trà ở lớp 1 và thí điểm đối với lớp 6, lớp 10 từ năm học 2018 - 2019.

Đề nghị này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
 Vì sao lớp 1 đại trà, lớp 6 và 10 lại thí điểm ?
Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh), Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới xung quanh vấn đề này.
Lo không kịp triển khai thực hiện là có cơ sở
Xin ông cho biết vì sao Ban Phát triển chương trình mới lại kiến nghị Bộ GD-ĐT sẽ chỉ triển khai chương trình mới đại trà ở lớp 1 và chọn hình thức thí điểm với lớp 6 và lớp 10?
Điều mà dư luận lo lắng về việc không kịp triển khai thực hiện chương trình là hoàn toàn có cơ sở nên chúng tôi phải tiếp thu ý kiến đó và có trách nhiệm kiến nghị với Bộ GD-ĐT chỉ triển khai đại trà với lớp 1 từ năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, theo các bước mà chúng tôi kiến nghị thì vẫn đạt mục tiêu mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra, đó là đến năm học 2022 - 2023 sẽ được triển khai ở tất cả các cấp, các lớp học.
Nếu cùng một lúc mà triển khai cả 3 cấp thì rất khó, cũng phải tạo điều kiện để các địa phương có thời gian chuẩn bị về điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất… Trên thực tế, chương trình lớp 1 mới sẽ không có những thay đổi lớn.
Nói như vậy có thể hiểu là chương trình lớp 1 mới đã sẵn sàng và đủ điều kiện để thực hiện?
Với lớp 1 hiện nay thì có một tồn tại là một số địa phương chưa thực hiện được dạy học 2 buổi/ngày. Dự thảo cũng có quy định là năm đầu tiên các địa phương phải tạo điều kiện để tất cả lớp 1 được học 2 buổi/ngày, những năm sau sẽ khắc phục dần để đến khi triển khai đến lớp 5 thì tất cả học sinh (HS) tiểu học đều được học 2 buổi/ngày. Hiện nay ở các nước phát triển thì HS cả 3 cấp đều học 2 buổi/ngày. Nếu mình không bước một bước để bắt buộc cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày thì sau này giải quyết cả 3 cấp sẽ rất khó.
 Vì sao lớp 1 đại trà, lớp 6 và 10 lại thí điểm ?1
Chương trình giáo dục phổ thông mới được đề xuất chỉ triển khai đại trà ở lớp 1 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chọn thí điểm theo vùng miền
Vậy thí điểm chương trình lớp 6, lớp 10 sẽ được tiến hành trên phạm vi toàn quốc hay chỉ chọn theo đặc thù vùng miền?
Chúng tôi sẽ chọn theo 6 vùng miền khác nhau. Có thể mỗi vùng miền một tỉnh và mỗi tỉnh cũng chọn một địa bàn nhất định, tiêu biểu cho các địa bàn của tỉnh đó, thuận lợi và cả khó khăn. Ví dụ, ở đô thị lớn thì khó khăn về sĩ số HS/lớp học quá đông, trường lớp chật chội; vùng sâu, vùng xa thì khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...
Dư luận cứ nghe đến thí điểm là lại rất hoang mang, lo lắng HS bị mang ra làm “chuột bạch”. Vậy cách thức thí điểm chương trình mới có giải tỏa được lo lắng này không?
Như chúng tôi đã nói ở trên, chương trình mới cần qua một bước thực nghiệm để triển khai đại trà chắc chắn hơn và khi đưa vào thực nghiệm thì những lớp được chọn sẽ có sự chỉ đạo, quan tâm chu đáo hơn để HS tham gia học thử nghiệm không bị thiệt thòi.
Vậy những HS theo chương trình thí điểm có được học thống nhất một phương pháp và nội dung giáo dục suốt cả cấp học không, hay mỗi năm học lại có thay đổi?
Những đường hướng chung thì chắc chắn sẽ không thay đổi nhưng trong quá trình thực nghiệm thì sẽ điều chỉnh kịp thời những chi tiết nhỏ như tài liệu học tập, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục… với mục tiêu phù hợp và hiệu quả hơn và sau một đợt thử nghiệm như vậy thì chương trình sẽ hoàn thiện hơn.
Trong lịch sử những lần cải cách giáo dục của nước ta, có những lần thí điểm mà về sau được đánh giá là thất bại khá nặng nề, điển hình như việc thực hiện thí điểm phân ban ở cấp THPT. Theo ông, làm thế nào để có thể tránh được “vết xe đổ” này trong chương trình mới?
Theo chúng tôi, cách tốt nhất vẫn phải bám sát thực tiễn. Trong những thí điểm không thành công ở các lần trước, mà cụ thể là phân ban, thì cũng giúp cho chúng tôi lần này rút được kinh nghiệm, nếu phân ban quá cứng thì không thành công, phải phân ban theo hướng mềm hơn đó là cho HS tự chọn môn học... Những đòi hỏi nghề nghiệp trong tương lai sẽ tác động vào việc chọn môn của HS. Nếu HS nào đi theo hướng ĐH, CĐ thì có thể căn cứ vào yêu cầu tuyển sinh của các trường để quyết định chọn môn học...
Quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải tiến độ
Hiện nay quan điểm của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác là không phải căn cứ vào mốc thời gian như vậy mà ép tiến độ bằng mọi cách. Quan trọng nhất là sự chuẩn bị để đổi mới căn bản, toàn diện như thế nào. Chỉ khi đã thực sự yên tâm về chương trình, về sách giáo khoa, về các điều kiện để thực hiện thì mới triển khai. Nếu Bộ GD-ĐT chưa đủ điều kiện chín muồi thì hoàn toàn có thể báo cáo và đề xuất với Quốc hội để xin lùi thời gian. Đây là một nhiệm vụ rất lớn nên không câu thúc về thời gian, ép tiến độ, mà ưu tiên hàng đầu vẫn là chất lượng và hiệu quả khi triển khai chương trình mới.
Hiện nay mới là đề xuất, kiến nghị của Ban soạn thảo, còn đến năm 2018 có áp dụng hay không, áp dụng mức độ nào thì Bộ GD-ĐT căn cứ vào sự chuẩn bị của mình và của các địa phương để có đề xuất lộ trình phù hợp. Trong lịch sử thì việc đề xuất Quốc hội xin lùi thời gian đổi mới chương trình, về sách giáo khoa đã xảy ra rồi. Hiện chương trình mới chưa ban hành chính thức, nên về mặt lý thuyết thì chưa thể có căn cứ để xây dựng chương trình các môn học và sách giáo khoa được. Cái nọ phụ thuộc cái kia nên ép tiến độ sẽ không đúng quy trình và không đảm bảo chất lượng. Điều quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng chứ không phải là tiến độ.
Phạm Tất Thắng
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Ý kiến
Cần một lộ trình rõ ràng
Năm 2018 triển khai đại trà ở lớp 1 không vấn đề gì và thực nghiệm HS lớp 6, lớp 10 cũng không đáng lo ngại vì đều là lớp đầu cấp, nhưng thực nghiệm ở lớp 2 sẽ như thế nào? Bộ nên chọn thực nghiệm ở các trường phổ thông trong trường ĐH thì mới có kết quả xác thực.
Trần Trọng Khiêm 
(Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM)
Lo con thành “chuột bạch”
Tôi rất lo nếu trường THPT mà con mình học trong tương lai sẽ thí điểm chương trình thì liệu con mình có thành “chuột bạch” không? Tôi mong muốn việc có học theo chương trình thí điểm hay không cần phải có ý kiến đồng ý của phụ huynh và HS.
Trần Thị Hương 
(Phụ huynh học sinh ở Hà Nội)
Khả thi hơn khi triển khai đại trà ở lớp 1
Năm 2018 triển khai đại trà ở lớp 1 có tính khả thi. Ở hoạt động học, HS lớp 1 như tờ giấy trắng nên khi tiếp cận với chương trình mới, phương pháp mới không có gì bất ngờ, hụt hẫng hay trở ngại. Với hoạt động dạy, so với chương trình hiện hành, chương trình mới chủ yếu đề cập đến nội dung tích hợp và chỉ dừng lại ở vấn đề cơ bản chứ không phải chuyên sâu nên không khó khăn.
Cao Huy Thảo 
(Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
Tránh chạy theo dư luận
Bộ cần nghiên cứu, khảo sát và dựa vào các cơ sở khoa học đáng tin cậy để chương trình khả thi và tránh tình trạng chiều theo dư luận. Việc triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 và thử nghiệm ở các bậc cao hơn thì coi như vẫn chưa làm gì để giải quyết áp lực học hành mà xã hội đang mong đợi. Cái khó của chương trình hiện tại không nằm ở bậc tiểu học. Vấn đề quá tải, áp lực nằm ở các bậc còn tổ chức thi là THCS, THPT.
(Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM)
Các trường khó chuẩn bị chu đáo
Nếu bắt đầu đổi mới từ năm học 2018 - 2019, cho dù “cuốn chiếu” từ lớp đầu cấp, cũng khó chuẩn bị chu đáo các khâu chương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Theo tôi nên lùi lại một vài năm.
Nguyễn Xuân Khang 
(Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie, Hà Nội
Bích Thanh - Lam Ngọc - Tuyết Mai (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.