Vì sao kinh tế Trung Quốc liên tục bơm căng bong bóng mới?

10/05/2016 08:58 GMT+7

Những tuần gần đây, giới đầu tư đẩy khối lượng giao dịch ở Trung Quốc lên mức “trên trời”, đặt cược vào tất cả mọi thứ từ thép cho đến trứng.

Trong một ngày, lượng thép được giao dịch ở Trung Quốc đủ để xây 178.082 tháp Eiffel và lượng bông được giao dịch thì đủ để may quần jean cho cả thế giới.

Theo cây bút Christopher Balding của hãng tin Bloomberg, các thị trường hàng hóa không xoay tròn hoàn toàn là vì người Trung Quốc như những "con bạc". Các chính sách khiến quốc gia đông dân nhất thế giới dễ hình thành nhiều bong bóng tài sản. Ngay cả khi một số loại bong bóng đang xì hơi từ từ, những chiếc bong bóng mới chắc chắn sẽ xuất hiện trừ khi có sự thay đổi trong các chính sách.

Vấn đề ở đây là dư thừa thanh khoản, những gì được mô tả là “quả bóng tiền lớn” của Trung Quốc, di chuyển từ loại tài sản này đến loại tài sản khác như trong chiếc máy pinball. Giới lãnh đạo Đại lục cũng thừa nhận nỗ lực của họ nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 là lý do khiến tiền chồng chất đến mức rất cao.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng và tiền vượt xa bất kỳ cơ hội đầu tư tốt nào trong nền kinh tế thực của Trung Quốc, vốn đang khập khiễng vì năng lực sản xuất dư thừa. Tổng tài chính xã hội, thước đo lớn nhất của cho vay, tăng gấp gần bốn lần so với GDP danh nghĩa trong năm qua.

Tiền không ngồi yên. Tất cả thanh khoản gia tăng đang đổ vào bất động sản và tài sản tài chính. Mùa hè năm ngoái, đây là nguyên nhân bơm căng và làm vỡ bong bóng trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Hiện tại, nó đẩy giá bất động sản ở các thành phố lên cao. Nhà đất tại Thâm Quyến tăng hơn 50% trong năm ngoái, đến trên mức của tất cả đô thị ở Mỹ, trừ thành phố New York.

Tuy nhiên, thay vì thoái lui, chính phủ Trung Quốc tăng gấp đôi chiến lược của họ. Hồi tháng 1, ngay sau khi soạn thảo kế hoạch 5 năm tập trung vào việc thu nhỏ các ngành công nghiệp như thép và than đá, chính phủ một lần nữa nới lỏng tín dụng, thúc đẩy tín dụng đi lên 67% trong tháng đầu năm và 43% trong quý 1/2016.

Dòng tiền này được dùng để tạo nên tín hiệu tích cực trong tăng trưởng GDP, và thực tế đã làm được điều đó. Song nó cũng đi vào các khoản vay mới cho các doanh nghiệp “xác sống” và đầu cơ trong thị trường hàng hóa, trái phiếu.

Giới chức Đại lục còn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ của họ với nền kinh tế, khuyến khích giới đầu tư tập trung vào các báo cáo của chính phủ, thay vì những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế, khi lựa chọn nơi đầu tư.

Trước thời điểm chứng khoán đạt đỉnh vào tháng 7.2015, các lãnh đạo hàng đầu từng chủ động nói về ưu điểm của thị trường chứng khoán, thể hiện niềm tự hào về mức cao mà chỉ số Thượng Hải có thể đạt. Gần đây nhất, họ nói về quyền sở hữu nhà và hạ thấp khoản tiền tạm ứng bắt buộc đối với một số người mua nhà. Kể từ khi chính phủ dựng chiếc bè mới cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng vào tháng 12.2015, giá vật liệu xây dựng như cốt thép, xi măng tăng vọt.

Trung Quốc đã và đang cố gắng giảm tình trạng đầu cơ hàng hóa bằng cách tăng phí và rút ngắn thời gian giao dịch. Các biện pháp trên có một số tác dụng, song cách duy nhất để nước này ngăn chặn bong bóng mới thành hình là thắt chặt tín dụng, cho phép rủi ro định giá đúng tài sản.

Xác suất của một cuộc khủng hoảng tài sản như những gì người Nhật Bản trải qua hồi thập niên 1990 và người Mỹ biết đến trong năm 2009 vẫn còn thấp. Dù vậy, rủi ro đang tăng lên mỗi ngày.

Trong lúc này, tiền xoay quanh nền kinh Trung Quốc, mắc kẹt vì các biện pháp kiểm soát vốn ngày càng chặt và gây áp lực lên nội tệ. Những nhà đầu tư sáng suốt đang tìm lối ra. Không sớm thì muộn, nếu rủi ro tiếp tục chất cao, sẽ đến lúc chính phủ Đại lục mất khả năng chống đỡ nhân dân tệ và xoay sở với các khoản vay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.