Vì sao kiến cắn có thể gây sốc phản vệ?

Lê Cầm
Lê Cầm
19/09/2023 04:09 GMT+7

Trong một số trường hợp, kiến cắn có thể gây ra các phản ứng sốc phản vệ do một số hợp chất axit, alkaloid và một số protein có hàm lượng thấp trong nọc độc của kiến

Nhiều trường hợp sốc phản vệ do kiến cắn

Đầu tháng 9.2023, sau khi bị kiến cắn vào vùng trán, người đàn ông (49 tuổi, xã An Sinh, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) thấy toàn thân nóng rát kèm mệt mỏi và được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, cấu véo, đáp ứng rất yếu.

Nhân viên Trạm Y tế xã An Sinh đã trực tiếp cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân nghi bị sốc phản vệ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế TX.Đông Triều trong tình trạng lơ mơ; gọi, hỏi không đáp ứng; mạch nhanh, nhỏ; huyết áp 50/30 mmHg; da và đầu chi lạnh. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do kiến cắn và được sơ cứu kịp thời.

Vì sao kiến cắn có thể gây sốc phản vệ? - Ảnh 1.

Một bệnh nhân điều trị sốc phản vệ do kiến cắn độ 3 vào tháng 9.2023

TTYTĐT

Trước đó, tháng 8.2020, nam bệnh nhân (46 tuổi, ở Phú Thọ) khi đang làm vườn, bị kiến trên cây rơi vào người, cắn nhiều ở vùng gáy và ngực. Chỉ vài phút sau khi bị kiến cắn, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân rồi kích thích, vật vã, người nhà lập tức đưa đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau hai lần tiêm Adrenaline đường bắp, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Nọc độc của kiến gây các phản ứng độc hại

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nọc độc của kiến có chứa axit và alkaloid, gây ra các phản ứng độc hại. Alkaloid piperidine và một số protein hàm lượng thấp có thể gây ra phản ứng tại chỗ (mụn mủ) và phản ứng toàn thân (sốc phản vệ). Biểu hiện lâm sàng của tình trạng mẫn cảm với kiến được phân loại thành phản ứng tức thời và phản ứng chậm.

Phản ứng tức thời có thể bao gồm phản ứng cục bộ và phản ứng toàn thân, xảy ra trong vòng 1-4 giờ sau khi bị kiến cắn; trong khi phản ứng chậm, chẳng hạn như bệnh huyết thanh và viêm mạch, thường xảy ra hơn 4 giờ sau khi bị kiến cắn.

Vì sao kiến cắn có thể gây sốc phản vệ? - Ảnh 2.

Nọc độc của kiến có chứa axit, alkaloid

SHUTTERSTOCK

Các công cụ để chẩn đoán tình trạng mẫn cảm với kiến là xét nghiệm da, IgE đặc hiệu trong huyết thanh và xét nghiệm vết cắn. Việc kiểm soát tình trạng quá mẫn với kiến có thể được chia thành các phương pháp điều trị tức thời (bằng thuốc epinephrine, corticosteroid), điều trị theo triệu chứng (thuốc kháng histamine, thuốc giãn phế quản), điều trị hỗ trợ (hồi sức bằng dịch, liệu pháp oxy) và điều trị phòng ngừa (tránh tái chích và liệu pháp miễn dịch).

"Nếu bị kiến cắn, trường hợp nặng có thể gây ra các phản ứng sốc phản vệ do một số hợp chất axit, alkaloid và một số protein có hàm lượng thấp trong nọc độc của kiến. Do đó, sau khi bị kiến hay côn trùng cắn, nếu có những dấu hiệu bất thường, người bệnh không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để được xử trí đúng và kịp thời", tiến sĩ Triết khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.