Vì sao hiệu quả chống dịch Covid-19 ở Long An được gọi là ‘kỳ tích’ ?

20/12/2021 10:38 GMT+7

Từ ngày 15.10, Long An trở thành tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL đưa Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” vào cuộc sống. Đến nay, Long An vẫn lạc quan và liên tục ở cấp độ 1 về dịch Covid-19.

Bản lề “5K” và kiên trì các mục tiêu đã định

Mới đây, khi liên hệ công tác với ông Trương Văn Liếp, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Long An, PV Báo Thanh Niên có nói rõ bản thân là F2 thì ông Liếp chắc nịch: “Tôi không ngại tiếp xúc thì anh ngại gì. Anh cứ đến Sở, tôi sẽ gặp trực tiếp và chúng ta tuân thủ 5K trong giao tiếp. Nếu chúng ta tuân thủ nghiêm 5K thì cho dù anh là F1 thì tôi cũng không ngại”. Và đúng như ông Liếp hướng dẫn, chúng tôi đã có những trao đổi cởi mở và ấn tượng với tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh Long An tính đến đầu tháng 12.2021.

Bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho biết các ngành, các cấp và người dân Long An đã kiên trì với các giải pháp mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, giải pháp 5K và 2.936 tổ Covid cộng đồng được xem là “bản lề” để Long An chống dịch. Trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, Long An sử dụng thống nhất app PC-Covid; Truyền đi mạnh mẽ thông điệp thống nhất nhận thức về chuyển dịch trạng thái “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” với 6 nguyên tắc cơ bản, cốt lõi: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Theo bác sĩ Phúc, ngày 27.5, Long An ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại xã Long Hậu, H.Cần Giuộc. Vài ngày sau đó, dịch liên tiếp bùng phát tại nhiều nơi, đến độ nhiều bệnh viện đa khoa ở các huyện Tân Thạnh, Cần Đước, TP.Tân An... phải tạm đóng cửa vì có ổ dịch. Long An là tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 đứng thứ 4 trong cả nước sau TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với gần 40.000 ca. Riêng trong tháng 8 đỉnh dịch, Long An ghi nhận gần 20.000 ca nhiễm Covid-19.

Trong khi triển khai hàng loạt các giải pháp theo chỉ đạo của T.Ư, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Long An cũng đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp thực tế của địa phương. Tính đến giữa tháng 9.2021, tuy số ca nhiễm còn khoảng 500 ca/ngày nhưng đã căn bản kiểm soát dịch.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy (bên trái) và ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An gặp gỡ, lắng nghe khó khăn của các doanh nghiệp do dịch Covid-19

ẢNH: B.B

Hỗ trợ kịp thời cho người khó khăn do Covid-19

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, từ nửa cuối tháng 9, Long An đã bắt đầu nỗ lực trong áp dụng các quy định về “bình thường mới”. Trong đó, cả hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và có ưu tiên người sử dụng lao động lâm cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19.

Nhờ những cách làm hiệu quả của các cấp và sự tuân thủ của người dân nên khi đỉnh dịch qua đi, đến cuối tháng 9, hầu hết người dân Long An đều đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và các doanh nghiệp cũng đã có được những bài học quý báu để vừa khống chế dịch vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Ngày 15.10, tức 4 ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19”, Long An trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực ĐBSCL đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Một tuần sau đó, theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế, toàn tỉnh Long An ở cấp độ 1 (vùng xanh). Số ca nhiễm thấp dần cho đến nay chỉ còn lác đác tại một số địa phương có người về từ vùng dịch và các ổ dịch được truy vết, khóa chặt ngay lập tức.

Đến thời điểm hiện tại, Long An là địa phương hiếm hoi không xảy ra cảnh tái dịch nghiêm trọng sau khi đưa Nghị quyết 128 vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.