Vì sao hằng năm vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu?

Lê Cầm
Lê Cầm
21/09/2023 04:04 GMT+7

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu vẫn luôn tồn tại giấu mặt trong môi trường dưới dạng bào tử, do đó khi một người có hệ miễn dịch yếu, chưa được tiêm chủng đủ vắc xin sẽ làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập.

Năm 2020, dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước... Mới đây, tỉnh Hà Giang, Điện Biên đã ghi nhận nhiều ca mắc bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường lây qua đường hô hấp.

"Vi khuẩn tồn tại giấu mặt dưới dạng bào tử, do đó nếu một người không chích ngừa, bỏ chích ngừa, chích không đủ số mũi... sẽ tạo khoảng trống miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt những người có hệ miễn dịch yếu, người làm việc trong khu vực rừng núi, nương rẫy sẽ có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu cao hơn và dễ bị lây nhiễm hơn", bác sĩ Tiến phân tích.

Theo bác sĩ Tiến, tại một số nước có quy định với người nhập cảnh, du học sinh... phải tiêm ngừa đủ một số loại bệnh, tránh mang mầm bệnh vào. Việc tiêm đủ các mũi vắc xin, không bỏ mũi giúp tạo miễn dịch phòng bệnh.

"Việc tiêm ngừa vắc xin đủ lịch giúp bảo vệ 90-95% người dân trong cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh. Tất nhiên nó không thể bảo vệ 100%, nhưng vẫn giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, người đã tiêm vắc xin khi mắc bệnh cũng nhẹ hơn", bác sĩ Tiến phân tích.

Vì sao hằng năm vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu

Shutterstock

Triệu chứng bệnh bạch hầu

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh bạch hầu có thời kỳ ủ bệnh kéo dài 2-5 ngày. Vào thời kỳ khởi phát, bệnh nhân có các dấu hiệu cảm lạnh như: đau họng, ho, sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh.

Bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khám đôi khi có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bạch hầu họng và amiđan: Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, đau cổ họng, Sốt nhẹ, sau 2-3 ngày xuất hiện đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng ngà hoặc xám, dai, dính chắc vào amiđan hoặc có thể bao phủ cả vùng cổ họng, lớp giả mạc này khó bong tróc và dễ gây chảy máu, sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Nếu không được điều trị tích cực bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm với biểu hiện sốt, khàn giọng ho ông ổng như tiếng chó sủa. Khám có thể thấy giả mạc tại thanh quản hoặc hầu họng lan xuống. Nếu không xử trí kịp thời các giả mạc này gây tắc đường thở làm suy hô hấp và bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu các vị trí khác: Thường hiếm gặp và nhẹ như gây loét ở da, niêm mạc mắt, âm đạo, ống tai.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Tiến cho biết, bệnh bạch hầu nguy hiểm vì khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể sẽ gây viêm cơ tim, tổn thương não, liệt cơ hô hấp, tứ chi.

"Tình trạng bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, vì khi vi khuẩn bạch hầu tấn công vùng hầu họng sẽ tạo ra giả mạc. Lớp giả mạc này phình to, gây bít đường thở, suy hô hấp diễn tiến, gây khó khăn trong việc chạy ECMO (oxy hóa màng ngoài cơ thể)", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% bệnh nhân bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo là các các biến chứng thần kinh chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

Vì sao hàng năm vẫn ghi nhận ca bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tư vấn và tiêm vắc xin cho trẻ

LÊ CẦM

Nhóm người có nguy cơ tử vong cao thường dưới 15 tuổi, trên 40 tuổi, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân đang đặt phương tiện hỗ trợ trong cơ thể, ví dụ thay van tim nhân tạo hoặc đặt shunt ở não thất, đặt catheter ở tĩnh mạch…

Bác sĩ Chính lưu ý, khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa bệnh bạch hầu sẽ suy giảm theo thời gian, cần tiêm nhắc lại 10 năm 1 lần, đặc biệt tiêm nhắc vào các cột mốc như: Từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi; phụ nữ trước hoặc đang mang thai; người già từ 50 tuổi trở lên; người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận…

Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?

Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.