Vì sao gói hỗ trợ lãi suất bị ế ?

Mai Phương
Mai Phương
06/05/2023 07:07 GMT+7

Trong khi doanh nghiệp vẫn khó khăn để vay vốn từ ngân hàng thì chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ lại triển khai ì ạch.

Đối tượng ưu tiên lại khó với tới

Trông chờ rất nhiều vào chính sách hỗ trợ lãi suất (LS) 2% của Chính phủ nhưng sau 1 năm triển khai, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, vẫn lắc đầu cho biết doanh nghiệp (DN) không thể với tới được. Là đơn vị sở hữu hãng hàng không và công ty du lịch - 2 lĩnh vực được nhắc đến đầu tiên trong số 11 nhóm ngành được hỗ trợ LS theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ - nhưng Vietravel Holdings theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, dù hỏi bất kỳ ngân hàng (NH) nào thì câu trả lời cũng khó khăn vì trước tiên phải đáp ứng đủ điều kiện như có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh, có khả năng hồi phục… Đến hiện tại, các DN du lịch như Vietravel đều vẫn khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn từ NH khi không có tài sản đảm bảo; không được thế chấp bằng phương án kinh doanh. 

"Nhìn hỗ trợ LS 2% là thèm lắm nhưng không vay được thì lấy đâu ra mà hỗ trợ LS. Nếu được hỗ trợ thì thay vì DN phải trả LS trên 10 - 11%/năm thì chỉ còn 8 - 9%/năm thôi là bớt khó biết bao nhiêu. Chính phủ muốn hỗ trợ nhưng vẫn để chuẩn quá cao là không phù hợp thực tế nên nói vui là bị ế thì đúng rồi", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói. 

Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ đánh giá lại các chương trình hỗ trợ cho DN phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 xem có hiệu quả hay chưa? Mọi chương trình hỗ trợ đều tốt cho DN nhưng cần thiết chỉ nên có duy nhất một thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể để đảm bảo đi vào cuộc sống.

Vì sao gói hỗ trợ lãi suất bị ế ? - Ảnh 1.

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ thực hiện được rất ít

NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả hỗ trợ LS theo Nghị định 31/2022 còn thấp do một số khó khăn, vướng mắc khác. Khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ, chủ yếu do tâm lý e ngại thanh kiểm tra (nhất là các DN), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ LS 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ LS (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán). Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trường hợp sau này bị các cơ quan có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ LS thì rất khó xử lý vì lúc đó số tiền hỗ trợ đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông. 

Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ LS, song hiện đã chủ động hoàn trả NH thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ LS. Ngoài ra, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không đăng ký theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (điển hình như Agribank có 50% dư nợ khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh). Hơn nữa, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ LS là khách hàng phải được các NH đánh giá "có khả năng phục hồi" nhưng việc này quá khó khăn. Do đó, cả NH thương mại và DN đều e ngại sẽ bị thanh tra, kiểm tra sau này…

Kết quả là số tiền hỗ trợ LS trong năm 2022 chỉ khoảng 135 tỉ đồng. NHNN dự kiến số tiền hỗ trợ LS cả năm 2023 khoảng 2.435 tỉ đồng. Như vậy nếu giải ngân đúng như dự kiến thì tổng số tiền hỗ trợ thực hiện chỉ hơn 6% và số tiền hỗ trợ dự kiến không sử dụng hết là 37.430 tỉ đồng.

Chính sách phải có khả năng thực hiện

Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, NHNN đã trình Chính phủ chấp thuận việc dừng sửa đổi Nghị định 31. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển nguồn lực cho các chính sách khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện (nếu có) theo quy định.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng gói hỗ trợ LS 2% đã thấy khó thực hiện ngay từ khi vừa ban hành. Đó là số lượng DN được khoanh vùng hỗ trợ khá ít và kèm theo điều kiện được NH đánh giá "có khả năng phục hồi". Điều kiện này quá chung chung, mơ hồ nên số lượng DN có thể vay vốn và được hỗ trợ LS càng ít hơn. Hơn nữa, nguồn hỗ trợ LS từ ngân sách nhà nước nên sẽ liên quan đến vấn đề thanh, kiểm tra sau đó nên cả NH lẫn DN đều e ngại. 

Trước đó, trong năm 2009, Chính phủ cũng đã triển khai gói hỗ trợ LS từ ngân sách nhà nước áp dụng cho các khoản vay của DN như một bộ phận của nhóm chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế đang bị tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên một số NH cho rằng đến nay có những khoản vay vẫn chưa được bồi hoàn do hồ sơ không đạt chuẩn hay bị cho là chưa cho vay đúng đối tượng quy định… Chính vì vậy việc triển khai hỗ trợ LS 2% từ 1 năm qua đến nay khá ì ạch khi bản thân DN không mặn mà hoặc không đủ điều kiện và cả NH cũng ngần ngại.

Chính phủ cần xem xét chuyển số tiền dự kiến hỗ trợ LS 2% theo Nghị quyết 31/2022 thành những chính sách hỗ trợ khác cho người dân, DN và nhanh chóng thực hiện càng nhanh càng tốt. Ví dụ có thể vẫn xác định ưu tiên cho một số DN ngành nghề cần hỗ trợ như giảm thuế thu nhập DN. Điều này cũng tương đồng với việc DN có khả năng phục hồi mới hoạt động có lãi và đóng thuế. Hay tăng cường thúc đẩy vào gói hỗ trợ an sinh xã hội như hỗ trợ cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính)

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng nguồn vốn hỗ trợ LS 2% là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các NH rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra. Điều kiện để NH tự đánh giá DN "có khả năng phục hồi" mới được cho vay là gây khó khăn vì mang tính rất rủi ro cho cả người đi vay lẫn người cho vay. Bởi không ai dự đoán được biến động thị trường hay chắc chắn về hoạt động của DN dù có thể nhìn trên kế hoạch kinh doanh rất khả khi. Vì vậy làm sao có NH nào dám cho vay? 

Việc thực hiện chưa hiệu quả gói hỗ trợ này là kinh nghiệm để các bộ ngành khi xây dựng, thiết kế các chính sách hỗ trợ cho DN, người dân sau này. Đó là phải hướng đến việc giảm các tầng nấc thực thi; chi phí thực hiện giảm và làm thế nào để chính sách đi ngay vào cuộc sống, thực hiện đơn giản, bỏ các chi tiết con. Hơn nữa, việc hỗ trợ về LS thông thường sẽ khó thực hiện hơn như áp dụng các chính sách giảm thuế, phí cho cả DN lẫn người dân. Chẳng hạn việc giảm thuế giá trị gia tăng cần được triển khai sớm vì sẽ dễ thực hiện, công bằng và có hiệu ứng lan tỏa cao hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.