Vì sao giá USD tăng mạnh?

Mai Phương
Mai Phương
29/02/2024 06:41 GMT+7

Giá USD liên tiếp lên mức cao trong những ngày qua. Đặc biệt trên thị trường tự do, giá đồng bạc xanh tăng mạnh hơn nhiều so với trong hệ thống ngân hàng.

Tiến gần mức lịch sử

Hôm qua (28.2), giá USD tại các ngân hàng thương mại quay đầu đi xuống so với trước. Chẳng hạn, Ngân hàng Eximbank mua vào còn 24.380 đồng và bán ra 24.770 đồng; Vietcombank mua vào 24.420 đồng, bán ra 24.790 đồng… So với một ngày trước đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã giảm từ 40 - 50 đồng nhưng đây vẫn là mức cao. Bởi so với đầu năm, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 350 - 370 đồng, tương ứng tăng khoảng 1,5%.

Thậm chí trong tuần vừa qua, giá USD của Vietcombank có thời điểm bán ra 24.850 đồng, chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử của giữa tháng 10.2022 khoảng 200 đồng. Riêng giá USD ở các điểm thu đổi ngoại tệ hôm qua cũng giảm xuống còn mua vào 25.340 đồng và bán ra 25.440 đồng. Tuy nhiên so với đầu năm, giá USD thị trường tự do tăng mạnh 660 đồng, tương ứng tăng 2,6%.

Vì sao giá USD tăng mạnh?- Ảnh 1.

Giá USD liên tục tăng trong hai tháng đầu năm

Ngọc Thắng

Việc giá USD trong nước tăng cao trong 2 tháng đầu năm nay có nguyên nhân chính vì đồng tiền này trên thế giới liên tục đi lên. Nếu như đầu năm, chỉ số USD-Index đứng ở mức 101,38 điểm thì hiện đã lên trên 104 điểm. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng đồng USD vẫn duy trì sức mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa hạ lãi suất như kỳ vọng trước đó.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định dù Fed đã đưa ra thông điệp có thể giảm lãi suất trong năm nay nhưng đến hiện tại thì vẫn chưa rõ thời điểm nào sẽ bắt đầu giảm. Lãi suất ở Mỹ vẫn duy trì ở mức cao khi lạm phát tháng 1 là 3,1%, thấp hơn mức 3,4% tháng 12.2023 nhưng còn cách xa mục tiêu giảm xuống 2% mà Fed đưa ra. Cơ quan này vẫn duy trì quan điểm chống lạm phát, đồng nghĩa vẫn tiếp tục giữ chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều này gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy hoạt động nhập khẩu hàng hóa của cả nước tháng đầu năm nay tăng so với tháng 12.2023 và tăng cao hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt gần 31 tỉ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7.2022. Tháng 2 nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục cao bởi các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng gia tăng nên việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng cũng nhiều hơn, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán tăng lên, từ đó tỷ giá cũng tăng theo.

Việc nhập khẩu hàng hóa gia tăng là tin tốt cho nền kinh tế nhưng trong ngắn hạn cũng góp phần gây áp lực cho tỷ giá hối đoái. "Cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ. Khi những nhà đầu cơ nhận thấy tỷ giá có xu hướng tăng, họ sẽ tìm cách mua ngoại tệ và từ đó đẩy giá USD trên thị trường tự do cao hơn ngân hàng", ông Hiếu đặt vấn đề và cho rằng những dự báo, biến động này chỉ diễn ra trong ngắn hạn, không quá căng thẳng như đã từng diễn ra trong năm 2022 - là năm Fed vẫn liên tục tăng lãi suất và chưa ai có thể đoán trước được khi nào ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ ngừng động thái này.

Căng thẳng chỉ trong ngắn hạn

Cũng có những nhận định tương tự về lý do đồng USD tăng giá, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng áp lực lên tỷ giá hối đoái của VN trong 6 tháng đầu năm nay là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện tại, mức giảm giá của VND vẫn thấp hơn nhiều so với đồng nội tệ của nhiều quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc… Nhiều đồng tiền trong khu vực châu Á đã giảm từ 3 – 5% so với cuối năm vừa qua. Một lý do khác là sau khi lượng kiều hối thường chuyển về VN vào cuối năm tăng cao thì hiện cũng đã giảm và có thể tạm thời gây ra tình trạng cầu cao hơn cung trong ngắn hạn.

Tuy nhiên tổng quan chung, ông Huân cho rằng trong cả năm nay, tỷ giá hối đoái sẽ không tái diễn tình trạng căng thẳng như năm 2022 mà có thể diễn biến như năm 2023. Cụ thể, trong một giai đoạn ngắn hạn, có thể tỷ giá tăng cao hơn 3%, thậm chí lên 4% nhưng sau đó sẽ giảm dần và cả năm cũng chỉ dao động ở biên độ xoay quanh 3%. Bởi nhiều khả năng năm nay cả nước vẫn duy trì xuất siêu, cán cân thương mại thặng dư. Cùng với dòng vốn FDI cũng có nhiều tín hiệu lạc quan thì việc căng thẳng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Thậm chí trong điều kiện cần thiết, nếu áp lực tỷ giá hối đoái lên cao thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tăng nhẹ lãi suất để đảm bảo tỷ giá ổn định.

Vì sao giá USD tăng mạnh?- Ảnh 2.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng USD vẫn duy trì sức mạnh trên thị trường quốc tế cho đến khi Fed bắt đầu giảm lãi suất. Do đó, trong nửa sau năm 2024, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt. Hiện tại giá USD vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, NHNN vẫn có nhiều dư địa để can thiệp khi tỷ giá hối đoái biến động mạnh.

Thực tế, theo số liệu thống kê, lạm phát năm 2023 chỉ ở mức 3,25% là mức khá an toàn so với các nước trong khu vực và thấp hơn so với kế hoạch Quốc hội phê duyệt đầu năm (4 - 4,5%). Bước sang năm 2024, lạm phát của VN đề ra mục tiêu ở mức 4 - 4,5% và cũng được xem là một trong các yếu tố giúp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Do đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý có thêm dư địa để giảm áp lực tỷ giá hối đoái và sẽ không có tình trạng biến động lớn.

Theo báo cáo về thị trường tiền tệ mới đây, Công ty chứng khoán KBSV đánh giá dù áp lực tỷ giá hối đoái vẫn hiện hữu, đặc biệt là khi rủi ro địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng chưa phải mối nguy lớn với VN. Theo đó, tỷ giá trong nước được dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt bởi nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ dòng vốn FDI và kiều hối. Bên cạnh đó, NHNN có thể sẽ chưa có động thái can thiệp khi tỷ giá chưa tăng quá 2%. NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chấp nhận để tỷ giá tăng ở mức độ vừa phải do lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát, trong khi nền kinh tế cần tiếp tục được hỗ trợ phục hồi. Do đó, KBSV dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng 1,5% trong năm nay, đạt 24.600 USD/VND. Tương tự, công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng khi chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, USD có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước. Các chuyên gia của MBS dự báo tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23.800 - 24.300 VND/USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.