Vì sao Gen Z chuộng giao tiếp trực tuyến?

19/08/2022 13:24 GMT+7

Khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, nhiều bạn trẻ Gen Z (những người sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010) có xu hướng giao tiếp trực tuyến, thay vì gặp mặt trực tiếp.

Không thoải mái khi mặt đối mặt

Kết quả cuộc khảo sát của công ty Adobe (Mỹ) với 1.000 người cho thấy 83% người thuộc thế hệ Z cho rằng họ cảm thấy thoải mái khi thể hiện cảm xúc thông qua những biểu tượng trong các nền tảng tin nhắn hơn là một cuộc điện thoại hay giao tiếp trực tiếp. Những nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cứ mỗi 5 người thế hệ Z thì có 1 người cho rằng thể hiện bản thân trực tuyến dễ dàng hơn so với ngoại tuyến.

Một số bạn trẻ chỉ cảm thấy tự tin khi giao tiếp thông qua những nền tảng tin nhắn trên điện thoại

reuters

Là một Gen Z, Lê Bảo Ngọc (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) cho biết bản thân thích giao tiếp trực tuyến hơn trực tiếp vì cảm thấy tự tin khi không cần nhìn mặt người khác. “Có những chuyện không dễ nói ra nhưng tôi sẽ can đảm hơn nếu nhắn tin. Khi nói, ngoài nội dung thì tôi phải để ý giọng điệu, ngữ điệu… để mọi người không hiểu sai ý mình. Còn khi viết, tôi chỉ cần chuẩn bị nội dung sao cho phù hợp, dễ hiểu. Việc soạn tin nhắn cũng giúp tôi có thêm thời gian suy nghĩ câu trả lời thấu đáo”, Bảo Ngọc chia sẻ.

Theo Ngọc, một trong những nguyên nhân đã ảnh hưởng đến thói quen giao tiếp của mình là việc nói lái, bẻ chữ, sử dụng “teencode” trên mạng. “Sử dụng từ ngữ không chính thống với tần suất cao khiến tôi gần đây hay sai chính tả, hoặc nói ngọng như cách tôi giao tiếp trên mạng xã hội”, Bảo Ngọc nói.

Hiện nữ sinh viên đang cố gắng cải thiện khả năng giao tiếp. “Tôi hay quan sát bạn bè xung quanh, nhất là người lớn để có thể nói chuyện chuẩn mực hơn. Tôi cũng theo dõi các xu hướng, gameshow để bắt kịp xu thế, đồng thời hưởng ứng các cuộc trò chuyện cùng bạn bè. Tôi vẫn có thể bắt chuyện với người lạ, chỉ là chưa đủ khéo léo để kéo dài câu chuyện”, Ngọc tâm sự.

Tương tự, Lê Hoàng Phúc (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sài Gòn) cảm thấy không thoải mái khi trò chuyện mặt đối mặt liên tục. “Tôi thích giao tiếp trực tuyến để có thể trò chuyện với bất cứ ai, ở bất cứ đâu mà không phải di chuyển nhiều để gặp mặt. Ngoài ra, đối với một số người không giỏi bày tỏ cảm xúc qua lời nói thì giao tiếp trực tuyến sẽ giúp ích cho họ”, Hoàng Phúc giải thích thêm.

Lê Hoàng Phúc (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sài Gòn)

NVCC

Tuy nhiên, chính Phúc cũng nhận thấy việc dựa dẫm vào giao tiếp trực tuyến quá nhiều đã khiến nỗi sợ nói chuyện trực tiếp ngày càng tệ hơn, dẫn đến việc thiếu sót kỹ năng giao tiếp. Kể về sự cố do thiếu kỹ năng giao tiếp, nam sinh viên cho hay: “Lúc học trực tuyến, tôi tự tin thuyết trình qua màn hình máy tính vì không ai nhìn thấy mình. Mọi thứ đều suôn sẻ và trơn tru, cho đến khi tôi quay lại học trực tiếp tại trường. Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng phải thuyết trình trước hơn 100 người thì tôi bủn rủn tay chân, cứ bập bẹ từng chữ vì quá lo lắng”.

Về vấn đề ngại giao tiếp trực tiếp, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhận định: “Việc Gen Z giao tiếp trực tuyến lâu ngày có thể để lại những hệ lụy về sau, nhất là kỹ năng giao tiếp xã hội. Lý do là các bạn đã có thói quen giao tiếp thông qua bàn phím, màn hình điện thoại nên khi giao tiếp trực tiếp thường ngại ngùng, lúng túng, diễn đạt thiếu logic… Thậm chí, thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại còn tạo ra khoảng cách vô hình khi gặp gỡ bạn bè”.

Nhận được nhiều giá trị khi giao tiếp trực tiếp

Trong khi đó, một số bạn trẻ như Nguyễn Minh Thái (22 tuổi, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng và Trường ĐH FPT TP.HCM) luôn cảm thấy có rào cản khi nhắn tin, không giỏi viết hay không muốn chăm chăm nhìn điện thoại nên quyết định duy trì phương thức giao tiếp trực tiếp “truyền thống”.

Minh Thái giải thích: “Theo quan điểm của dân kinh doanh như ba tôi, khi muốn trình bày một vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc thì giao tiếp trực tiếp là phương thức tối ưu. Ngoài ra, do tính chất công việc hiện tại, tôi cũng ưu tiên nói chuyện trực tiếp hơn nhắn tin với khách hàng. Khi đó, hai bên cởi mở với nhau hơn, quá trình làm việc cũng thoải mái, tránh mất thời gian hoặc hiểu nhầm ý khách hàng”.

Nhờ giao tiếp tốt ngoài đời thực, công việc và các mối quan hệ của Thái phát triển hơn. “Cởi mở, giao tiếp tốt thì tự nhiên sẽ có nhiều cơ hội đến với mình, xét về mọi khía cạnh trong cuộc sống”, Thái nhấn mạnh.

Nguyễn Minh Thái (22 tuổi, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng và Trường ĐH FPT TP.HCM)

NVCC

Nam sinh viên cho hay anh cũng gặp nhiều bạn trẻ rất hoạt ngôn trên mạng nhưng khó mở lời ngoài đời thực. Thái chia sẻ: “Trường hợp này thường rơi vào những bạn nhỏ tuổi hơn mình. Có lần, mình hẹn một bạn nữ ra uống cà phê. Trên mạng xã hội, bạn nói rất nhiều, nhưng khi gặp mặt, mình gần như là người dẫn dắt mọi chủ đề. Điều đó khiến mình thấy hơi ngượng”.

Lý giải về trường hợp này, thạc sĩ Đặng Hoàng An nói: “Việc hoạt ngôn trên mạng nhưng rụt rè ngoài đời có thể đến từ thói quen chuyển hóa suy nghĩ trong đầu ra bên ngoài thông qua cơ tay (ngôn ngữ viết), nên khi chuyển cơ chế diễn đạt thông qua cơ miệng (ngôn ngữ nói) sẽ gặp những khó khăn nhất định trong khâu diễn đạt. Thêm vào đó, bản chất của hai môi trường giao tiếp này hoàn toàn khác nhau. Giao tiếp trực tiếp sẽ cộng hưởng thêm hiệu ứng đám đông khiến một số bạn thiếu tự tin, lúng túng”.

Bên cạnh những lợi ích khi giao tiếp trực tiếp, Minh Thái thừa nhận mình cũng có không ít lần “vạ miệng”. “Nói chung, đây là điều bình thường trong giao tiếp hằng ngày. Viết tin nhắn còn có cơ hội đọc lại, thấy sai thì sửa liền. Còn nói chuyện thì khác, sai thì chỉ biết rút kinh nghiệm. Do đó, cái hay ở giao tiếp trực tiếp là giúp tôi rèn luyện cách ăn nói khéo léo, cẩn thận, đảm bảo bày tỏ được nội dung nhưng không khiến đối phương phật lòng’”, Thái nói.

Để Gen Z cải thiện khả năng giao tiếp ngoài đời thực, thạc sĩ An cho lời khuyên: “Người trẻ nên tham gia các nhóm cộng đồng, câu lạc bộ hay hoạt động xã hội để mở mang kiến thức, học hỏi cách giao tiếp ứng xử, đặc biệt là tăng sự tương tác ngoài đời với người khác. Trong lớp học, các bạn cần tích cực tham gia hoạt động nhóm, thuyết trình, thậm chí là cuộc thi hùng biện để rèn luyện khả năng tư duy, diễn đạt bằng ngôn ngữ. Đừng quên, ‘chìa khóa’ cho một cuộc nói chuyện thành công ngoài đời thực là thái độ biết lắng nghe, cũng như đặt mình vào vị trí của đối phương”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.