Vì sao F0 ở miền Tây tăng nhanh?

03/12/2021 04:25 GMT+7

Mặc dù độ phủ vắc xin mũi 2 tại hầu hết các địa phương khu vực miền Tây Nam bộ đã đạt trên 80% tổng số người từ 18 tuổi trở lên, nhưng hiện dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan nhanh tại khu vực này.

Trong 3 ngày (từ 29.11 đến 1.12), mỗi ngày các tỉnh thành ĐBSCL đều ghi nhận trung bình 5.700 ca nhiễm mới, cao gấp 2,5 lần so với tuần đầu tháng 11.

Bản tin Covid-19 ngày 3.12: Cả nước 14.492 ca mới | Nỗ lực bảo vệ nhóm nguy cơ trong đại dịch

F0 gia tăng mỗi ngày

TP.Cần Thơ hiện có số ca mắc Covid-19 cao nhất miền Tây với trên dưới 1.000 ca/ngày, gấp 5,5 lần so với hồi đầu tháng 11. Đặc biệt, trưa 2.12, Cần Thơ ghi nhận thêm 1.201 ca F0 mới, nâng tổng số F0 lũy kế từ ngày 8.7 đến nay lên gần 28.500 ca. Chỉ trong 1 tuần lễ (từ ngày 25.11 - 1.12), Cần Thơ ghi nhận đến hơn 8.000 ca nhiễm mới và đã có 203 bệnh nhân (BN) tử vong.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Trung tâm điều trị Covid-19 quốc gia, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ

ĐÌNH TUYỂN

Còn ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, cho biết liên tục trong nhiều ngày qua, mỗi ngày tỉnh này đều ghi nhận trên 700 ca F0; trong đó hơn một nửa phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Tính từ ngày 27.4 đến nay, tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 18.726 ca F0, trong đó có 11.289 ca khỏi bệnh, xuất viện; 108 ca tử vong; hiện còn 7.329 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Chiều 2.12, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, Sở Y tế Bến Tre công bố số ca nhiễm thống kê từ ngày 23.11 - 2.12 (10 ngày) là 3.682 ca, chiếm đến 73,1% tổng số ca nhiễm ghi nhận trong hơn 5 tháng kể từ ngày tỉnh này bùng phát dịch (4.7).

Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 của tỉnh Cà Mau cũng liên tục tăng cao, với 500 ca/ngày. Đến nay, Cà Mau ghi nhận tổng cộng 10.219 ca F0; trong khi hồi đầu tháng 10, toàn tỉnh có chưa tới 300 ca F0.

Tại Vĩnh Long, tính từ ngày 30.11 đến sáng 2.12 cũng đã ghi nhận 1.594 F0, trong đó có đến 1.181 ca được ghi nhận trong cộng đồng và 413 ca chuyển từ F1 thành F0 khi được cách ly trước đó, nâng tổng số ca mắc Covid-19 của tỉnh vượt mốc 12.000 ca.

Ngày 3.12: Cả nước 14.492 ca Covid-19, 1.149 ca khỏi | TP.HCM 1.311 ca

Người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm 5K

Giải thích về lý do số ca nhiễm tăng cao, BS CK2 Phạm Phú Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho rằng F0 tăng nhanh là khó tránh khỏi khi người dân đi lại thoải mái, cùng với ý thức thực hiện 5K đang bị xem nhẹ và việc sàng lọc được triển khai rộng.

Phân tích nguyên nhân bùng dịch và số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng do từ đầu tháng 10, trên 35.000 người dân Cà Mau từ các tỉnh, thành có dịch tự phát về quê; qua xét nghiệm có đến 904 ca F0 (chiếm 48,24% số ca nhiễm). Đặc biệt thời gian qua, một số khu phong tỏa chưa được quản lý chặt, còn xảy ra tình trạng người trong khu phong tỏa tiếp xúc, lây chéo cho nhau. Ngoài ra, một số người dân vẫn còn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không thực hiện tốt thông điệp 5K, chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp cách ly y tế tại nhà, dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo cho gia đình và các hộ xung quanh. Nhiều F0 được phát hiện có liên quan đến việc tham dự các đám, tiệc tập trung đông người, làm tăng nguy cơ lây ra cộng đồng.

Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, việc số ca F0 liên tục tăng cao ở tỉnh này thời gian qua chủ yếu từ các công nhân đi làm ngoài tỉnh về. Cụ thể, tại TX.Bình Minh, người lao động làm việc ở TP.Cần Thơ về được phát hiện nhiễm nhiều nhất, khiến TX.Bình Minh chuyển thành vùng đỏ. Các ổ dịch tập trung tại địa bàn đông dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn và nhiều người dân trở về từ địa phương có dịch nhưng chưa thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tăng cường hỗ trợ điều trị F0 nhẹ tại nhà

“May mắn là tới giờ, tỷ lệ tiêm vắc xin của Cần Thơ đã khá cao (hơn 90% số người trong độ tuổi đã tiêm đủ 2 mũi) nên F0 đa phần không có triệu chứng, ít triệu chứng”, ông Phạm Phú Trường Giang chia sẻ. Theo Sở Y tế Cần Thơ, đến trưa 2.12, số F0 đang điều trị tại nhà ở Cần Thơ là 11.402 người. Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng F0 điều trị tại nhà tăng nhanh đã khiến một số xã/phường quá tải, dẫn tới việc chăm sóc không kịp thời. Ngoài ra, việc phối hợp vận chuyển F0 cần chuyển viện một số nơi còn lúng túng; cấp phát thuốc cho F0 tại nhà còn chậm và thiếu… Ông Phạm Phú Trường Giang cho hay TP cũng đã kích hoạt 83 trạm y tế lưu động và thành lập thêm 62 đội y tế lưu động hỗ trợ (gồm bác sĩ và sinh viên của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ); phân bổ 10.530 túi thuốc A (gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc bổ sung vitamin và khẩu trang), 6.930 gói thuốc B và 980 túi thuốc Đông Tây y kết hợp cho các trạm y tế để phục vụ, điều trị F0 tại nhà. “Các đội lưu động cấp cứu ngoại viện cũng được tăng cường, trong đó Quân khu 9 hỗ trợ thêm 5 đội, nếu địa phương nào đuối, các đội lưu động trên sẽ được đưa về hỗ trợ”, ông Giang nói và cho biết thêm, khác với TP.HCM trước đó, nhờ tiêm vắc xin, các ca nhiễm ở Cần Thơ có triệu chứng rất nhẹ nên nhu cầu về ô xy không đáng ngại. Hiện chỉ có mười mấy ca F0 điều trị tại nhà cần thở ô xy.

Sở Y tế Vĩnh Long dự báo trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh bình quân phát sinh từ 400 - 600 ca F0 mới/ngày; trong đó có khoảng 380 - 580 ca F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, chỉ có khoảng 4% F0 mức độ vừa, nặng và rất nặng. Vĩnh Long cũng đã xây dựng 107 trạm y tế lưu động chăm sóc và điều trị F0, F1 tại nhà. Mỗi trạm y tế lưu động, trạm y tế quản lý, chăm sóc tốt nhất 50 - 100 F0 và sẽ điều chỉnh tăng giảm số trạm này tùy tình hình thực tế. Hiện toàn tỉnh chỉ có 4.900 giường bệnh chuyên sơ cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị BN mắc Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, trong đó có khu cấp cứu và hồi sức tích cực (ICU) của tỉnh là 220 giường.

Trong buổi làm việc với các quận, huyện về phòng chống Covid-19, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng từ việc mỗi ngày có 1 - 2 ca tử vong thì ngày 30.11, TP đã có 11 ca tử vong trong ngày là một trạng thái báo động. “Các cấp độ dịch không còn băn khoăn mức 3 hay 4 mà phải xác định ở mức cao nhất, nặng nề nhất, nguy hiểm nhất, vì vậy việc phòng, chống dịch là ưu tiên nhất, hơn các việc khác. Phải ưu tiên trên hết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân”, ông Mạnh nói và thông tin, Cần Thơ đã thống nhất chủ trương chuyển cơ sở cách ly trước đây hơn 7.000 chỗ làm nơi tiếp nhận những trường hợp F0 không có điều kiện cách ly tại nhà, trang bị thuốc gói C, các thiết bị đo, đặc biệt máy đo nồng độ ô xy SpO2, và bình ô xy.

Để ứng phó tình hình dịch gia tăng, Sở Y tế TP.Cần Thơ cũng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực cho 100 giường bệnh hồi sức tích cực tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ và Bệnh viện Lao và bệnh phổi để đảm bảo năng lực tiếp nhận BN nặng, nguy kịch trên địa bàn. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Y tế, Cục Quản lý dược xem xét sớm cấp số đăng ký cho thuốc Molnupiravir 400 để Công ty CP Dược Hậu Giang có thể triển khai sản xuất phục vụ điều trị BN mắc Covid-19. “Tuy nhiên, cái đáng lo nhất hiện nay là tầng 3, tức là những ca chuyển biến nặng. TP đang phải củng cố lại để tránh quá tải. Hiện số BN nằm ở tầng 3 của Cần Thơ là 310 ca; trong đó 156 trường hợp nặng, nguy kịch”, ông Phạm Phú Trường Giang thông tin.

Việt Nam đã tiêm 126 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Cũng tại Cần Thơ, Trung tâm điều trị Covid-19 quốc gia tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ cũng đang triển khai 100 giường điều trị cho các BN nguy kịch từ các tỉnh miền Tây chuyển về. Hiện có 71 ca bệnh nặng ở TP.Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng đang được điều trị tại đây. Trong số các ca đang điều trị, có 1 ca phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo); 3 ca lọc máu liên tục và 32 ca thở máy. Năng lực thu dung điều trị thở máy của trung tâm này khoảng 40 - 50 ca.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.