Vì sao dự án Zenity chiết khấu đến 40% giá trị căn hộ?

Đình Sơn
Đình Sơn
06/01/2024 17:13 GMT+7

Hiện chủ đầu tư dự án Zenity (quận 1, TP.HCM) đang mở bán 28 căn hộ cuối cùng tại dự án này với chính sách chiết khấu đến 40% tổng giá trị nếu khách hàng thanh toán 100%.

Dự án Zenity của chủ đầu tư Capitaland (Singapore) gồm 1 tòa tháp cao 21 tầng và chỉ có 198 căn hộ, mở bán chính thức hồi cuối năm 2022 với giá khoảng 120 triệu đồng/m2. Sau đó, mức giá này được đẩy lên khoảng 150 - 160 triệu đồng/m2. Đến nay, khi còn 28 căn cuối cùng chủ đầu tư tung chính sách chiết khấu khủng, lên đến 40% giá trị căn hộ. Theo đó, căn hộ diện tích khoảng 95m2 có giá khoảng 15,5 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế VAT, phí bảo trì căn hộ) thì nay còn khoảng hơn 9,3 tỉ đồng. Mức giá trên chủ đầu tư cho biết bao gồm đầy đủ nội thất cao cấp như tivi, giường, bếp… Người mua chỉ cần xách vali vào ở hoặc có thể khai thác cho thuê ngay.

Theo các chuyên gia bất động sản, việc dự án Zenity giảm giá khủng không đại diện cho cả thị trường. Bởi đây là đợt mở bán cuối cùng và số lượng căn hộ cũng rất ít. Chưa kể các đợt mở bán trước đó giá đã tăng mạnh, từ 120 triệu đồng/m2 lên 160 triệu đồng/m2. So với giá lúc đầu và yêu cầu phải đóng 100% giá trị căn hộ thì mức chiết khấu này thực tế không lớn.

Vì sao dự án Zenity chiết khấu đến 40% giá trị căn hộ?- Ảnh 1.

Dự án Zenity chiết khấu khủng

ĐÌNH SƠN

Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng nhưng chỉ ít dự án đưa ra mức chiết khấu khủng. Nếu có thì khách hàng phải đóng đến 95 - 98% giá trị bất động sản. Thậm chí có những giai đoạn thị trường đóng băng nhưng giá vẫn tăng.

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Property X lý giải, giá tăng vì các chi phí đầu vào như giá đất, giá thành xây dựng và đặc biệt là chi phí vốn tăng rất mạnh. Trước đây 1 - 2 năm xong pháp lý cho một dự án còn nay một dự án kéo dài 3 - 5 năm thì chi phí tài chính là rất lớn.

"Thời điểm này tạo lập được một quỹ đất sạch và ra được pháp lý cho một dự án là rất hiếm. Các chủ đầu tư không dám bán giá thấp khi tiền sử dụng đất vẫn là một ẩn số rất lớn. Bởi có nhiều dự án bán xong thì doanh nghiệp phá sản vì sau này tiền sử dụng đất tăng cao, doanh thu của cả dự án cũng không đủ đóng. Tình trạng này đang xảy ra với nhiều dự án đã bán trước đây. Hiện nay, cơ quan chức năng yêu cầu đóng tiền sử dụng đất bổ sung với mức giá mới rất cao, hơn cả doanh thu so với thời điểm bán hàng trước đó" - ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Đoàn Thanh Ngọc, dù thị trường đóng băng hay không đóng băng thì chủ đầu tư bắt buộc phải bán với giá vốn, không thể bán lỗ thêm được nữa. Trong lúc khó khăn này, đa số các chủ đầu tư đều đã giảm gần hết biên độ lợi nhuận để mong bán được hàng, sớm thu hồi vốn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.