Vì sao công ty công nghệ Mỹ thường 'gục ngã' tại Trung Quốc?

04/09/2016 16:25 GMT+7

Vài năm trở lại đây, không ít các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google hay Uber đều phải nhận về những thất bại đắng cay khi cố gắng dấn thân vào thị trường Trung Quốc. Còn ở Ấn Độ, các công ty này lại gặt hái rất nhiều thành công.

Các công ty công nghệ Mỹ đều không đáp ứng được yếu tố bản địa. Lấy eBay hay Amazon làm ví dụ, khi tham gia vào thị trường Trung Quốc, họ áp dụng văn hóa Mỹ đối với khách hàng bản địa, vô hình trung khiến sản phẩm kém cạnh tranh.
Thông thường, các khách hàng Trung Quốc luôn muốn giao lưu với người bán hàng, từ đó phát triển quan hệ cũng như thỏa thuận về mức giá. Còn như eBay hay Amazon, vì muốn nhất quán với mô hình kinh doanh tại Mỹ, họ đã quên đi yếu tố bản địa trong sản phẩm.
Didi taxi của Trung Quốc đã đánh đúng nhu cầu người dùng Ảnh: AFP
Yếu tố tiếp theo chính là sự "hậu thuẫn" của chính sân nhà. Chẳng hạn, dù Uber là dịch vụ gọi xe qua di động lớn nhất toàn cầu, nhưng khi tiến vào Trung Quốc thì họ vẫn phải tìm cách giành giật từng thành phố một với Didi, vốn đã có mặt ở hơn 400 thành phố so với 60 của Uber. Thậm chí, có thông tin cho rằng chính phủ Trung Quốc cũng có một sự ủng hộ ngầm nhất định với Didi, khi họ để cho mảng dịch vụ gọi taxi của hãng này hợp nhất với Kuaidi vào năm ngoái để tạo thế độc quyền hoàn toàn.
Bản thân Didi cũng được hậu thuẫn bởi 2 tập đoàn Trung Quốc cực mạnh khác là Tencent và Alibaba. Năm 2015, Didi chính thức khởi động cuộc chiến giá cả với Uber khi tung ra chiến dịch cung cấp các chuyến đi miễn phí với ngân sách 150 triệu USD.
Zennon Kapron, Giám đốc Công ty tư vấn Kapronasia, từng bình luận: “Đường vào thị trường Trung Quốc chất đầy xác của những công ty công nghệ nước ngoài từng thất bại tại đây".
Ấn Độ sẽ thành công hơn?
Ngôn ngữ là một lợi thế rất lớn khi các công ty công nghệ Mỹ ''đổ bộ'' vào thị trường Ấn Độ. Việc cùng sử dụng tiếng Anh giúp các doanh nghiệp này dễ dàng triển khai phiên bản nội địa cho người dân Ấn Độ. Còn như Trung Quốc, bất đồng ngôn ngữ là rõ ràng.
Thêm vào đó, khác với khách hàng Trung Quốc, người dân Ấn Độ có phần dễ tính hơn. Họ không cần phục vụ quá nhanh, cũng như không cần quá cầu kỳ. Nhờ đó, các công ty công nghệ Mỹ sẽ không cần chi quá nhiều tiền để thu hút khách hàng bản địa.
Tại Ấn Độ, ''ông lớn'' như Snapdeal cũng chỉ có số vốn 1,54 tỉ USD Ảnh: Forbes
Nói về tiềm lực tài chính, ngay cả những start-up lớn tại Ấn Độ cũng vẫn là bé nhỏ so với doanh nghiệp Mỹ. Hai ông lớn thương mại điện tử của Ấn Độ là Snapdeal và Flipkart chỉ gây được số vốn 1,54 tỉ USD trong 5 năm và 3,15 tỉ USD trong 7 năm.
Còn như Amazon, chỉ trong 2 năm tham gia thị trường Ấn Độ, công ty này đã đầu tư tới 5 tỉ USD, hơn hẳn các đối thủ bản địa. Đó là chưa kể hạ tầng công nghệ của Amazon, lẫn kinh nghiệm “chinh chiến” đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với Snapdeal hay Flipkart.
Thị trường Trung Quốc vẫn rất quan trọng
Mặc dù thị trường Ấn Độ tỏ ra dễ thở hơn Trung Quốc, nhưng đây vẫn không phải là đích đến cuối cùng của các công ty công nghệ Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt tên đuổi đình đám như Apple, Facebook, Google hay Uber đều đồng loạt đầu tư vào thị trường này.
Một phần do thị trường Trung Quốc quá béo bở, một phần do đất diễn tại châu Âu hay Mỹ đã không còn. Do đó, các doanh nghiệp Mỹ buộc phải làm chủ sân chơi Trung Quốc nếu còn muốn phát triển. Ấn Độ cũng quan trọng, nhưng Trung Quốc vẫn quan trọng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.