Vì sao có những người hút thuốc, uống rượu vẫn sống trên 100 tuổi?

Thiên Lan
Thiên Lan
25/11/2019 10:29 GMT+7

Một nghiên cứu về ADN của những người trường thọ - sống trên 110 tuổi - đã tiết lộ bí mật kỳ lạ nhất để sống trường thọ là họ có hệ siêu miễn dịch, với các tế bào bạch cầu có khả năng chống lại ung thư và nhiễm trùng một cách độc đáo, theo Daily Mail.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y khoa Riken và Đại học Keio (Nhật Bản), đã thực hiện nghiên cứu 41.000 tế bào từ 7 người trường thọ, sống trên 110 tuổi và nghiên cứu sự khác nhau giữa những người trong độ tuổi từ 50 đến 89.
Kết quả đã phát hiện sự khác biệt nằm ở một loại tế bào gọi là tế bào TCD4 có nhiều ở những người trên 110 tuổi.
Và thật kỳ lạ là chính những tế bào này ở những người trường thọ này đã giúp họ sống lâu, chứ không phải do họ có lối sống lành mạnh.
Ở người trường thọ, những tế bào bạch cầu TCD4 này nhiều hơn và nguy hiểm hơn so với người bình thường, chúng có khả năng chống ung thư và nhiễm trùng một cách độc đáo.
Ở những người trường thọ, các tế bào TCD4 này có thể tấn công trực tiếp vi rút và tế bào ung thư, trong khi ở người bình thường, không có khả năng này.
Các nhà khoa học cho biết những phát hiện này giúp giải thích tại sao có những người có thể sống trường thọ đến như vậy, và có thể chỉ ra cách thức giúp những người khác sống thọ hơn.
Mặc dù các tế bào TCD4 thường là “tế bào hỗ trợ”, giúp các tế bào bạch cầu khác chống lại nhiễm trùng, nhưng ở những người trường thọ trong nghiên cứu, chính các tế bào này vô cùng mạnh mẽ và đã chủ động tìm kiếm và tiêu diệt vi rút và các tế bào ung thư, nhưng không gây độc đối với tế bào khỏe mạnh.
Điều này bổ sung vào các nghiên cứu trước đây, cho thấy những người trường thọ dường như rất kiên cường đối với bệnh tim và ung thư.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Kosuke Hashimoto cho biết: Những người trường thọ có hệ miễn dịch vẫn hoạt động đến già nhằm bảo vệ chống lại nhiễm trùng và khối u.
Các nhà nghiên cứu đã chụp ảnh hàng ngàn tế bào miễn dịch - chỉ có ở người trường thọ, với độ phân giải đơn bào và xác định các tế bào TCD4 có đặc điểm gây độc tế bào ung thư nhưng không gây độc tế bào khỏe mạnh.
Người có tuổi thọ được chứng thực cao nhất trong lịch sử là bà Jeanne Calment, đến từ Pháp, hưởng thọ 122 tuổi, đã chết năm 1997, vẫn hút thuốc vào sinh nhật lần thứ 117 của mình, và tuyên bố dầu ô liu, rượu vang, thuốc lá và sô cô la chính là bí quyết sống lâu của mình..
Ông Richard Overton, một cựu chiến binh 112 tuổi, đến từ Texas (Mỹ), đã chết năm ngoái, gắn bó cả đời với xì gà, rượu whisky và kem.
Người phụ nữ Ý Emma Morano, qua đời năm 2017 ở tuổi 117, cho biết bà sống thọ là nhờ chia tay chồng và không bao giờ kết hôn nữa.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có thể làm sáng tỏ các yếu tố sinh học thực sự có ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người.
Nhà di truyền học người Ý, Piero Carninci, phó giám đốc Trung tâm Riken, cho biết: Loại tế bào hiếm gặp ở hầu hết mọi người này, rất hữu ích để chống lại các khối u đã hình thành và có thể quan trọng đối với việc giám sát miễn dịch.
Điều này thật thú vị vì nó đã cho chúng ta những hiểu biết mới về cách những người sống trường thọ có thể tự bảo vệ mình khỏi các căn bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng và ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.