Vì sao có đề nghị “giải tán” trường chuyên ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/01/2022 06:00 GMT+7

Sáng 21.1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên . Sự kiện này được trông đợi từ cuối năm 2020 sau những tranh cãi nên tiếp tục tồn tại mô hình trường THPT chuyên hay không?

Trường chuyên không phải để đào tạo “gà nòi”

Tại hội nghị, ban tổ chức đã phát video chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Nhân. Khi còn làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân là người chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Ông Nhân chia sẻ khi ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng GD-ĐT một thời gian thì có một số địa phương đề nghị giải tán trường chuyên ở địa phương mình vì đã tồn tại nhiều năm mà học sinh (HS) ở đó không có giải thưởng lớn trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

“Tôi giật mình vì nhiều nơi chưa hiểu đúng về mục đích ra đời và tồn tại của trường chuyên”, ông Nhân nói và bày tỏ trường chuyên là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, mà trước hết là từng địa phương phải đào tạo nhân tài cho mình.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, dư luận có ý kiến phản đối sự tồn tại của trường chuyên là do cách đào tạo theo kiểu “gà nòi”. Phụ trách đào tạo ở ĐH Quốc gia, ông Đức cho biết trước đây khi nhận sinh viên tốt nghiệp từ các trường chuyên, ông thấy nhiều em điểm rất cao nhưng thường gặp các vấn đề như không tốt về ngoại ngữ, không theo được chuyên môn, thiếu các kỹ năng, khó hòa nhập...

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), một trong những nơi đào tạo nhân tài phía nam, trong ngày đầu tiên trở lại trường sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

ĐÀO NGỌC THẠCH

GS Đức cho rằng trường chuyên phải rõ triết lý đào tạo. “Trường chuyên phải là nơi đào tạo nhân tài, không phải đào tạo gà nòi”, ông Đức khẳng định và cho rằng để làm được điều đó thì phải đào tạo toàn diện, một HS chuyên bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có kỹ năng mềm, cũng phải có trình độ về tin học, ngoại ngữ. Quan trọng nhất của trường chuyên phải là nơi nuôi dưỡng khát vọng, đam mê, hoài bão của HS để các em thành tài. Trường chuyên có thể không có giải thưởng quốc gia, quốc tế nhưng những em học ở trường chuyên sẽ trở thành những cán bộ chủ chốt của đất nước và như vậy là thành công.

Cần có sự kết nối giữa trường chuyên với trường đại học

GS Nguyễn Đình Đức đề nghị các trường ĐH hàng đầu cần có chính sách tuyển thẳng những HS giỏi, trong đó có HS trường chuyên; có các văn bản pháp lý đối với trường chuyên phù hợp hơn với tình hình thực tế; làm sao để thu hút được những giáo viên giỏi nhất vào trường chuyên.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định sự cần thiết phải tồn tại của mô hình trường chuyên nhưng cho rằng để xã hội đồng tình, công nhận về vai trò của mô hình này thì cần có những thay đổi. Theo ông Hiển, cần có sự thống kê xem sự kết nối như thế nào giữa trường chuyên với trường ĐH. HS trường chuyên ra đời phục vụ thế nào cho xã hội, cho đất nước…

Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân - huy chương; câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN KIM SƠN

Ông Hiển cũng đề nghị muốn trường chuyên là nơi sáng tạo, làm những việc không ai làm được thì không áp dụng chương trình cứng cho trường chuyên, một chương trình áp dụng hàng chục năm, mà phải thay đổi liên tục theo từng năm, cập nhật yêu cầu và xu hướng mới.

“Việc có một chương trình cứng giúp một số nơi dựa vào đó dễ thực hiện và ổn định, trong khi trường chuyên thì cần dễ để phát triển chứ không phải dễ để ổn định”, ông Hiển nói.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo UBND và sở GD-ĐT các địa phương đề nghị cần có các cơ chế tốt hơn nhằm thu hút GV giỏi vào dạy ở trường chuyên vì GV trường chuyên hiện đang “rất áp lực phải có giải thưởng”; nên có cơ chế tuyển thẳng vào các trường ĐH danh tiếng với HS trường chuyên...

Quyết không chạy theo thành tích, huy chương

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên mà cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.

Cả nước có 77 trường THPT chuyên

Bộ GD-ĐT cho biết hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 tăng lên 77 năm 2020; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất 1 trường chuyên, có nơi 2 trường chuyên, phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương; số lượng HS đã tăng, tổng số HS chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.

Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ HS giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm; năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh VN đã có sự chuyển biến tích cực.

“Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao, trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có HS giỏi, có các giải thưởng, các huân - huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển”, người đứng đầu ngành GD-ĐT lưu ý.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, ông Kim Sơn cho rằng đào tạo chuyên dẫu đặc biệt nhưng vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu; vì vậy đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ, đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân - huy chương; câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh. Đồng thời ông Sơn nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới HS có lựa chọn không phù hợp. “Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của HS, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, ông Sơn chia sẻ.

Đề nghị có Đề án phát triển trường chuyên trong 10 năm tới

Bộ GD-ĐT đề nghị: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022 - 2032 nhằm tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành vào khoảng giữa năm 2022”.

Về việc các địa phương dành đầu tư lớn cho hệ thống trường chuyên, Bộ trưởng lưu ý đầu tư cho trường chuyên nhưng không vì thế mà không lưu ý đến giáo dục phổ thông và chính sách bình đẳng trong giáo dục. “Không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Đành rằng trong điều kiện khó khăn phải đầu tư tập trung nhưng bên cạnh trường chuyên được đầu tư lộng lẫy là nhóm trường khác còn chưa được kiên cố hóa thì thực sự phản cảm. Phát triển nhóm trên nhưng phải nâng đỡ nhóm dưới một cách hài hòa”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.