Vì sao châu Á có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/04/2023 09:51 GMT+7

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ người bị cận thị được dự đoán là 66,4% vào năm 2050, cao nhất trên toàn thế giới.

Vì sao châu Á có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới? - Ảnh 1.

Trẻ em cận thị ở một trường tiểu học tại TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Thị giác Brien Holden hồi năm 2016 từng dự báo đến năm 2050, 50% dân số thế giới sẽ là người cận thị và gần 1 tỉ người sẽ bị cận thị nặng.

Theo dự báo, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thu nhập cao, tỷ lệ người bị cận thị vào năm 2050 là cao nhất thế giới với 66,4%; khu vực Đông Á là 65,3%; còn Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là 62%.

Vì sao châu Á có tỷ lệ người bị cận thị cao nhất? Điều này có thể lý giải dưới góc độ khoa học, đời sống xã hội như thế nào?

Vì sao châu Á có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới? - Ảnh 2.

Tỷ lệ người bị cận thị ở châu Á-Thái Bình Dương được dự báo là cao nhất thế giới vào năm 2050

CHỤP MÀN HÌNH

Tiến sĩ-bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đại sứ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Viện Cận thị thế giới đưa ra một số lý giải:

  • Chủng tộc châu Á luôn có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới, đặc biệt nguồn gốc Đông Á. Kể cả ở các nước đa chủng tộc như Mỹ hoặc Úc, thì những người có nguồn gốc Đông Á cũng có tỷ lệ cận thị cao hơn và xu hướng tiến triển thành cận thị nặng cao hơn.
  • Các nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen sinh sống trong nhà hẹp, hình hộp với không gian sinh hoạt chung thường nhỏ hẹp dẫn đến sự hình thành lẫn tiến triển cận thị ở trẻ em châu Á.
  • Một số nghiên cứu chứng minh mối liên quan chặt chẽ giữa hình thành cận thị đối với áp lực trong việc học tập, sinh hoạt chuyên môn, khoa học. Trẻ em đối mặt áp lực học tập cao thường có xu hướng tăng thời gian hoạt động nhìn gần, giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành và tiến triển cận thị.
Vì sao châu Á có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới? - Ảnh 3.

Tiến sĩ-bác sĩ Trần Đình Minh Huy khám mắt cho một bệnh nhân

MINH PHƯƠNG

Số trẻ em Việt Nam bị cận thị đang gia tăng, đặc biệt trẻ em ở các đô thị lớn. Đâu là những giải pháp cho vấn đề này? Tiến sĩ-bác sĩ Huy đưa ra một số lời khuyên dựa trên những phương pháp có thể áp dụng và có bằng chứng lâm sàng:

  • Cần tăng thời gian sinh hoạt ngoài trời, không gian rộng cho trẻ trên 120 phút/ngày.
  • Khuyến khích trẻ ra ngoài chơi ở giờ ra chơi thay vì ngồi trong lớp. 
  • Hạn chế thời gian sinh hoạt nhìn gần dưới 2,5-3 giờ/ngày (không tính thời gian đi học ở trường).
  • Cần tăng độ chiếu sáng tốt ở khu vực trẻ học tập và sinh hoạt nhìn gần cho bài tập về nhà. 

  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có kích thước nhỏ và độ sáng màn hình thấp vì đó sẽ là yếu tố kích thích điều tiết thị giác quá mức. 

  • Khuyến khích trẻ ngủ sớm vào buổi tối, hạn chế thức khuya.

Vì sao châu Á có tỷ lệ cận thị cao nhất trên toàn thế giới? - Ảnh 4.

Cần khuyến khích học sinh ra ngoài chơi, thay vì ngồi trong lớp

NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, tiến sĩ-bác sĩ Huy nhấn mạnh những phương pháp, lời khuyên chăm sóc thị giác dưới đây đã được chứng minh không có tác dụng hạn chế tiến triển cận thị: 

  • Đeo kính gọng giảm độ so với độ thật của trẻ
  • Day ấn huyệt và châm cứu
  • Những bài tập chườm ấm, vận nhãn hoặc xoay nhãn cầu theo các hướng để giúp mắt hoạt động tốt hơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.