Vì sao cao tốc thường xuyên 'thất thủ'?

20/02/2024 06:28 GMT+7

Tai nạn liên hoàn, cao tốc Cam Lộ - La Sơn tắc nghẽn; "đóng" cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do quá tải; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kẹt xe kéo dài 10 km do tai nạn giao thông… Hàng loạt sự cố trên các tuyến cao tốc xảy ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn một lần nữa cho thấy những bất cập của hệ thống đường cao tốc của VN.

Cao tốc quá nhỏ, sơ hở là kẹt

Chiều 18.2 (mùng 9 tháng giêng), vụ tai nạn liên hoàn của 4 ô tô trên cao tốc Mỹ Thuận - Trung Lương đã khiến tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng. 10 km cao tốc đoạn qua địa phận H.Cái Bè (Tiền Giang) từ Km 75 đến Km 88, hàng dài ô tô, xe tải, xe khách nối đuôi nhau. Hiện trường vụ tai nạn được phong tỏa để cơ quan chức năng xử lý, khiến dòng xe ùn ứ không có "khoảng thở".

Vụ tai nạn xảy ra đúng vào thời điểm kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán muộn, rất nhiều gia đình quay trở lại TP.HCM nên lượng phương tiện trên cao tốc tăng cao, tình trạng ùn tắc càng kéo dài hơn. Tài xế, hành khách rời khỏi xe xuống dưới đường vạ vật giết thời gian; trong khi một chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi nhưng cũng bất lực mắc kẹt giữa dòng xe, phải cố gắng lắm mới chen được qua khỏi đoạn ùn tắc nhất, nhưng cũng đồng thời khiến các phương tiện nhường đường trở nên lộn xộn.

Vì sao cao tốc thường xuyên 'thất thủ'?

Vì sao cao tốc thường xuyên 'thất thủ'?- Ảnh 1.

Hàng xe ùn ứ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ngày 18.2 khiến sau đó cao tốc này bị tạm đóng đầu vào

QUẾ HÀ

Mỗi lần thấy thông tin tai nạn trên tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là nhiều người thở dài ngao ngán: "Lại kẹt!". Quy hoạch 6 làn xe cao tốc và 2 làn khẩn cấp, song tuyến cao tốc này hiện mới chỉ có 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn, không có làn dừng khẩn cấp. Trong khi lượng xe lưu thông lúc cao tốc vừa mới khánh thành đã vượt quá dự báo hàng thập niên. Vì thế, chỉ cần 1 sự cố nhỏ, tai nạn nhỏ cũng rất khó để giải tỏa nhanh, dẫn đến nghẹt ứ cả tuyến.

Sáng cùng ngày, 1 vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa phận TX.Hương Trà (Thừa Thiên-Huế), khiến 3 mẹ con tử vong. Không chỉ lên án tài xế xe 7 chỗ vượt ẩu, nhiều người còn rùng mình khi nhìn toàn cảnh tuyến cao tốc chỉ 2 làn xe, không có dải phân cách cứng. Cũng chính vì không có dải phân cách nên hồi tháng 12.2023, trên tuyến cao tốc này xảy ra vụ tai nạn 2 ô tô đầu kéo đi ngược chiều đối đầu trực diện làm 1 người chết, 2 người bị thương, 1 xe bốc cháy.

Đáng nói, cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ vừa đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng thiết kế mỗi bên chỉ có 1 làn đường, 1 làn dừng khẩn cấp mà không có dải phân cách cứng ở giữa. Khi có sự cố, không chỉ toàn tuyến đường lập tức "cứng ngắc" mà công tác cứu nạn, cứu hộ cũng vô cùng khó khăn. Chưa kể, trung bình khoảng 5 - 8 km lại có 1 đoạn làm thành 2 làn xe chạy để cho phép các xe vượt lên, kéo dài khoảng 1,5 - 2 km, vô tình tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trên tuyến cao tốc.

XEM NHANH 20H: Cao tốc vài trăm km không có trạm dừng nghỉ

Không chỉ Cam Lộ - La Sơn, nhiều tuyến đường cao tốc mới khai trương, trải nhựa mới coóng nhưng cũng chỉ có 4 làn xe, khuyết làn dừng khẩn cấp khiến tài xế vừa chạy vừa lo. Đơn cử, chỉ vừa đưa vào khai thác chưa đến 9 tháng nhưng tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều tài xế phàn nàn, làn đường trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khá hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng… khiến tai nạn dễ xảy ra, nhất là khi lưu thông vào ban đêm. Bên cạnh đó, tuyến đường này vừa đưa vào khai thác đã xảy ra tình trạng có lúc phải tạm đóng vì quá tải.

Mới nhất, trưa 18.2 (mùng 9 tết), đầu vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được lực lượng CSGT điều tiết cho các xe đi theo QL1, tạm thời không cho vào cao tốc này với lý do lượng phương tiện quá đông, lo kẹt xe nghiêm trọng tại trạm thu phí Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) nhiều năm qua do lượng phương tiện thực tế cao gấp nhiều lần tải cung ứng. Mỗi dịp lễ, tết, cao điểm, đơn vị quản lý lại phải thông báo hạn chế phương tiện lưu thông qua cao tốc HLD.

Những "hiện tượng lạ" trên cao tốc

Cao tốc vừa thiếu vừa nhỏ nên ùn tắc, các vụ tai nạn trên cao tốc ở VN cũng... lạ lùng không kém. Giữa tháng 4.2023, một vụ tai nạn trên tuyến cao tốc HLD khiến dư luận "dở khóc dở cười" vì chuyện thật như đùa. Một chiếc xe hơi đang chạy trên đường dẫn cao tốc HLD, đoạn qua P.An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) thì bất ngờ tông vào... một con bò chạy băng ngang. Con bò đứng dậy đi tiếp, trong khi chiếc xe hư hỏng nặng, rất may không có thương vong về người. Tài xế sau đó phải lái xe ra khỏi cao tốc và đến Công an P.An Phú trình báo vụ việc. Đây là sự cố hy hữu nhưng không phải lần đầu tiên xảy ra trên tuyến cao tốc này. Trước đó, hồi tháng 9.2016, hai con trâu được cho là "đi lạc" đã bị một chiếc ô tô đâm phải khiến trâu chết tại chỗ. Vụ tai nạn khiến tuyến đường ùn tắc do đơn vị chức năng sau đó phải phong tỏa một phần đường, đồng thời một đoạn rào chắn bị hư hỏng.

Mấy ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao clip người đàn ông vô tư điều khiển xe máy chạy tốc độ rất nhanh, tạt đầu nhiều ô tô đang đi trên đường cao tốc thuộc đại lộ Thăng Long (Hà Nội). Đáng chú ý, tài xế xe máy nằm trên yên xe để di chuyển. Trong khi đó, ở phía nam, nhiều tài xế, hành khách bất đắc dĩ phải dừng giữa cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, leo lên cầu thang bằng sắt tạm bợ, trèo qua hàng rào kẽm để vào "nhà vệ sinh 0 đồng" do một số hộ dân buôn bán ven cao tốc thuộc xã Hàm Hiệp và Hàm Liêm (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) tự mở phục vụ hành khách lưu thông trên tuyến cao tốc. Hơn 250 km toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo cũng chỉ có 1 trạm dừng nghỉ. Có lẽ vì vậy, dù nguy hiểm, dù sai luật nhưng những điểm vệ sinh tự phát trên cao tốc bị tuýt còi vẫn gây nuối tiếc cho các tài xế lưu thông trên tuyến đường này.

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, chỉ rõ đường cao tốc sinh ra để đảm bảo tính năng vượt trội phục vụ công tác vận chuyển, lưu thông đường dài bằng ô tô, sao cho thời gian được rút ngắn, thuận tiện, an toàn và xe phải được chạy liên tục với tốc độ ưu việt hơn các tuyến đường khác. Với công năng như vậy, công trình cũng phải được thiết kế với những tiêu chuẩn kỹ thuật để thỏa mãn, như đường 2 chiều đi ngược phải có dải phân cách cứng, không cho phép có giao cắt đồng mức, không tạo xung đột, xe chỉ ra/vào ở những cửa được phép, không tùy tiện; và tuyệt đối phải có hàng rào bảo vệ, không thể để xe máy, người đi bộ hay trâu bò, gia súc lưu thông vào.

"Những tuyến đường nào hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu như vậy thì không thể gọi là đường cao tốc. Cũng cần phải thông cảm rằng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Bộ GTVT thực hiện chủ trương phân kỳ đầu tư tính toán theo lưu lượng xe và điều kiện kinh phí. Vấn đề là việc khai thác theo phân kỳ thường bị kéo dài quá kế hoạch. Đơn cử như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự báo giai đoạn hoàn thiện phải làm 6 làn xe, giai đoạn 1 làm trước 4 làn nhưng giai đoạn sau chậm trễ tới 10 năm. Lưu lượng xe tăng như vậy thì không thể không ùn tắc. Khi đó thì những công năng của cao tốc lại không được đảm bảo", PGS-TS Trần Chủng nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.